Cũng theo Reuter, mức giá mà Samsung đã đề xuất mua lại mỗi cổ phiếu của Blackberry là từ 13,35 - 15,49 USD. Theo đó, công ty Canada được định giá 7,5 tỷ USD. Reuters cho biết, lãnh đạo 2 công ty đã gặp gỡ vào tuần trước nhằm thảo luận về thương vụ này.
Tuy nhiên gần như ngay lập tức, Samsung đã lên tiếng phủ nhận tin tức rằng họ đang có tham vọng muốn mua lại Blackberry. Trong email thông báo của mình, Samsung đã nêu rõ nguồn tin này là “vô căn cứ”.
Điều thú vị là không chỉ Samsung lên tiếng, Blackberry trước đó, cũng trong ngày 14/1 đã khẳng định: “Blackberry không hề tham gia vào các cuộc đàm phán với Samsung về bất kỳ một thỏa thuận nào nhằm mua lại Blackberry”.
Tại sao thị trường lại quá chú ý tới mối quan hệ giữa Samsung và Blackberry? Câu trả lời khá đơn giản, Samsung là hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới hiện nay và chưa muốn dừng lại. Trong khi Blackberry là hãng điện thoại di đông sở hữu nhiều phát minh đặc biệt, ứng dụng trong ngành mobile. Tuy nhiên, với sự lên ngôi của các dòng điện thoại thông minh, Blackberry đã không theo kịp “thời đại” và phải chật vật tái cấu trúc, cũng như tính tới giải pháp bán Công ty.
Câu chuyện xảy ra cách đây 2 tháng, Blackberry đã thông báo về việc bắt tay với Samsung bằng một cam kết hợp tác về dịch vụ quản lý. Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, 2 đối thủ của nhau cùng hợp tác trong một chương trình lớn.
Mối quan hệ đối tác này có được nhờ vào những nỗ lực của ông John Chen, Tổng giám đốc điều hành Blackberry. John Chen đang muốn hướng Công ty tập trung vào lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp và an ninh. Mục tiêu của John Chen là đạt được lợi nhuận bền vững, cũng như doanh thu phát triển hơn nữa trong năm tài chính sẽ kết thúc vào cuối năm 2016.
Cổ phiếu của Blackberry đã tăng 48% trong năm 2014 kể từ khi John Chen tiến hành các chiến lược kinh doanh của mình từ khi nắm quyền. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá 147 USD/cổ phiếu thời hoàng kim 2008, trước khi thị phần điện thoại di động của Blackberry bị thu hẹp lại.
John Chen đã giữ vị trí CEO Blackberry vào cuối năm 2013 sau kế hoạch bất thành biến Blackberry thành công ty tư nhân (bán lại toàn bộ cổ phiếu cho cổ đông lớn nhất là FaiFax). Kể từ đó, ông tập trung vào việc cung cấp phần mềm và dịch vụ an ninh cho chính phủ và các tổ chức, đồng thời cũng giới thiệu dòng điện thoại mới, tập trung vào các khách hàng doanh nhân, ví dụ như chiếc Passport và Classic.
Một vấn đề khác được đặt ra là, cho dù Samsung muốn mua lại Blackberry, liệu Chính phủ Canada có đồng ý việc bán lại hãng này cho một công ty nước ngoài? Chính phủ Canada đang đánh giá các thương vụ thâu tóm của những công ty nước ngoài, nhằm quyết định xem các vụ mua bán có đem lại lợi ích ròng cho đất nước hay không. Thêm vào đó, các nhà chức trách cũng sẽ đánh giá dựa trên mối quan tâm tới an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver từ chối bình luận xem liệu Chính phủ sẽ đặt lợi ích của Blackberry lên trên, hay sẽ chấp thuận cho công ty Hàn Quốc thâu tóm Blakberry.