SAM Holdings (SAM), bao giờ lại bứt phá?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ năm 2016 trở lại đây, Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM) đã trải qua ba lần đổi chủ, cụ thể là thay đổi nhóm cổ đông lớn nắm quyền điều hành và định hướng chiến lược phát triển Công ty, nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn đi xuống.
SAM Holdings (SAM), bao giờ lại bứt phá?

SAM là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi là một trong hai doanh nghiệp niêm yết đầu tiên nhờ tinh thần tiên phong của ông Đỗ Văn Trắc, người lãnh đạo công ty từ thời điểm đó cho đến nhiều năm sau này.

Tận dụng được thời cơ trên thị trường, SAM đã huy động được số vốn lớn để mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vượt ra khỏi ngành nghề truyền thống là sản xuất dây và cáp, được cho là không có nhiều tiềm năng phát triển.

Ban đầu, SAM cũng vấp váp khi đầu tư tài chính, mua những cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết theo phong trào đầu tư chéo thời bấy giờ. Sau đó, SAM đã thoái dần vốn và chọn bất động sản làm lĩnh vực đầu tư chiến lược.

Tới năm 2016, ông Đỗ Văn Trắc công bố nghỉ hưu, thoái toàn bộ cổ phần sở hữu tại SAM cho nhóm cổ đông mới, trong đó có ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc kế nhiệm. Tại Đại hội đồng cổ đông chuyển giao quyền lực, ông Trắc chia sẻ: “Ông không làm mất vốn của Công ty, giá trị vốn được được bảo toàn”.

Nhóm cổ đông mới tiếp quản SAM định hướng phát triển Công ty theo mô hình holdings. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là dây và cáp điện, bất động sản, nghỉ dưỡng và du lịch, đầu tư tài chính còn mở rộng thêm lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2017, ông Vương cho biết, SAM đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30% và trở thành tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam vào năm 2020.

Tháng 9 cùng năm, CTCP Đầu tư và phát triển SACOM chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần SAM Holdings, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Vào thời kỳ đó, ông Vương chia sẻ, để tiến tới vị thế tập đoàn đầu tư hàng đầu, nhiệm vụ của SAM là tập trung cải tiến chất lượng và hiệu quả ở tất cả các mảng kinh doanh để Công ty tăng trưởng nhanh và vững chắc.

Trong đó, mảng đầu tư tài chính sẽ đóng vai trò “bàn tay trái”, là nền tảng sức mạnh, mảng bất động sản mang sứ mệnh “bàn tay phải”, thúc đẩy tăng trưởng của cả công ty.

Những tưởng ông Vương sẽ lãnh đạo SAM Holdings thực hiện định hướng chiến lược dài hạn, nhưng tháng 8/2018, ông Vương bắt đầu thoái vốn và thoái xong chỉ sau một tháng. Người kế nhiệm ông Vương là ông Trần Việt Anh.

Kể từ đây, Ban lãnh đạo SAM khá kín tiếng. Dư luận chỉ biết về SAM ở vài thông điệp như tiếp tục đẩy mạnh quy trình quản lý hiệu quả chi phí tại các đơn vị thành viên. Hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết theo nguyên tắc không đầu tư dàn trải, chỉ tập trung vào những mã cổ phiếu mà SAM nắm rõ về tình hình kinh doanh, tính thanh khoản của cổ phiếu tốt và giá cổ phiếu hợp lý.

Năm 2020, SAM Holdings có định hướng tái cấu trúc một số mảng hoạt động. Trong đó đặc biệt lưu ý về các hoạt động cơ cấu lại tài sản, danh mục đầu tư hiện hữu và các hoạt động đầu tư mở rộng mới theo chiều hướng gia tăng các hoạt động kinh doanh ngắn hạn và tinh gọn các khoản đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, SAM sẽ đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp, kho, cảng.

Kết quả kinh doanh đi xuống trong nhiều lĩnh vực

Trong 4 năm vừa qua, mặc dù doanh thu của SAM Holdings có tăng trưởng, nhưng lợi nhuận lại suy giảm, biên lợi nhuận ròng giảm khá mạnh, hiện chỉ còn 1,6% so với 2,8% năm 2017.

Mảng du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với dự án lớn chiếm tỷ trọng lớn là SAM Tuyền Lâm vẫn liên tục lỗ, dù dự án này bắt đầu khai thác từ năm 2013.

Qua tay “các ông chủ”, dự án SAM Tuyền Lâm luôn được khẳng định là dự án quan trọng của Công ty. Tuy nhiên, điều khiến thị trường khá bất ngờ gần đây là SAM Holdings quyết định không thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm dự án SAM Tuyền Lâm.

Nếu quyền mua được chuyển nhượng cho bên khác, sở hữu của SAM Holdings tại đây có thể sẽ giảm mạnh từ 99,75% về 64%. Khi tỷ lệ sở hữu giảm, SAM Holdings muốn bán chuyển nhượng dự án cũng sẽ khó hơn. Nhiều nhà đầu tư trước đây đã kỳ vọng SAM Holdings bán dự án này để thu hồi vốn đầu tư.

Mảng nông lâm nghiệp công nghệ cao vẫn chưa cho thấy hiệu quả trong những năm trở lại đây do mặc dù tạo ra doanh thu nhưng không có lợi nhuận.

Nhìn chung, bức tranh theo mảng kinh doanh của SAM Holdings chưa có nhiều điểm sáng ngoài lĩnh vực bất động sản nhà ở và văn phòng cho thuê.

Năm 2020, trong 6 tháng đầu năm, SAM Holdings ghi nhận doanh thu 806,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,2% và 55,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Biên lợi nhuận gộp giảm 9,6%, về còn 5,1% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 1,4% về 0,9%.

Nếu xét riêng hoạt động kinh doanh chính, công ty lỗ gần 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 48,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh.

Ðáng chú ý, trong báo cáo tài chính quý II/2020, SAM Holdings thay đổi cách ghi nhận khoản mục đầu tư vào Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (DVN) từ chứng khoán kinh doanh sang đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, với giá trị tương đương là 283,6 tỷ đồng.

Với thay đổi này SAM Holdings sẽ không phải trích lập dự phòng theo thị giá DVN như trong các kỳ báo cáo trước khi giá DVN giảm.

Tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn khiêm tốn

Tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 8,4%, lên 5.649,4 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn là 1.846,7 tỷ đồng, chiếm 32,7%. Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty lên tới 1.447,9 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng tài sản.

Quy mô tài sản lớn, nhưng việc đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực khiến hiệu quả sử dụng vốn của công ty rất thấp.

6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của công ty chỉ đạt 0,1%, còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,3%. Năm 2019, ROA là 1,56%, ROE là 2,8% cho thấy hiệu quả kinh doanh kém xa so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Đáng chú ý là SAM Holdings vừa lên kế hoạch huy động 300 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung vốn lưu động với lãi suất lên tới 11%/năm, gấp đôi lãi tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện nay.

Liệu công ty có sử dụng vốn hiệu quả đủ để trả lãi cho khoản trái phiếu dự kiến huy động này hay lợi nhuận tạo ra đã ít lại gánh thêm chi phí lãi vay? Bài toán này đang chờ lãnh đạo SAM Holdings giải đáp.

Nhưng rõ ràng, nếu cứ để cổ phiếu SAM quẩn quanh mệnh giá và không nhận được sự quan tâm đáng kể của dòng tiền đầu tư trên sàn, thì thật đáng tiếc cho một tên tuổi gắn với lịch sử ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục