SAM Holdings loay hoay trên đống của

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tận dụng được lợi thế niêm yết sớm, CTCP SAM Holdings (SAM) đã huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường chứng khoán, nhưng nhiều năm qua, hiệu quả đầu tư của Công ty lại rất thấp.
SAM Holdings loay hoay trên đống của

Thoái lui với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng

SAM vừa gây chú ý trên thị trường khi công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc từ bỏ quyền mua 49,85 triệu cổ phiếu của công ty con CTCP Sacom Tuyền Lâm (STL) trong đợt tăng vốn của công ty này lên 1.400 tỷ đồng.

Với việc không thực hiện quyền mua, nếu STL phát hành vốn thành công cho nhà đầu tư khác, tỷ lệ sở hữu của SAM tại công ty này sẽ giảm từ 99,75% về 64%.

STL là công ty chuyên hoạt động trong mảng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Năm 2009,  Công ty được thành lập với mục đích kinh doanh resort và sân golf cao cấp tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Ðà Lạt, Lâm Ðồng.

Năm 2013, SAM Tuyền Lâm Resortkhai trương hoạt động với 8 căn biệt thự sang trọng, gồm 55 phòng nghỉ thiết kế theo phong cách châu Âu.

Năm 2014, SAM Tuyền Lâm Golf Club 18 lỗ chính thức hoạt động. Ðến năm 2015, Swiss-Belresort Tuyền Lâm, khu nghỉ dưỡng cao cấp với 151 phòng nghỉ, được đưa vào khai thác.

Mặc dù vận hành từ năm 2013, nhưng đến năm 2018, khu nghỉ dưỡng vẫn báo lỗ 35,5 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 16,1 tỷ đồng. Ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, do vậy, không khó để dự báo triển vọng lợi nhuận “về mặt đất” của STL là câu chuyện xa xôi. Việc SAM không thực hiện quyền mua tại công ty này cho thấy Công ty muốn đẩy rủi ro cho nhà đầu tư bên ngoài.

Kết quả kinh doanh đi xuống

Trong 6 tháng đầu năm 2020, SAM ghi nhận doanh thu 806,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,2% và 55,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Với kết quả này, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Biên lợi nhuận gộp giảm 9,6%, về còn 5,1% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 1,4% về 0,9%.

SAM Holdings loay hoay trên đống của ảnh 1

Nếu xét riêng hoạt động kinh doanh chính, SAM lỗ gần 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 48,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh.

Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2020, doanh nghiệp ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là 148,9 tỷ đồng thì tới 30/6/2020, khoản dự phòng này là 0,3 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, trong báo cáo tài chính quý II/2020, SAM thay đổi cách ghi nhận khoản mục đầu tư vào Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (DVN) từ chứng khoán kinh doanh sang đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, với giá trị tương đương là 283,6 tỷ đồng.

Theo quy định kế toán hiện hành, với khoản mục chứng khoán kinh doanh, doanh nghiệp phải liên tục cập nhập lại giá trị tài sản theo giá thị trường tại từng kỳ lập báo cáo tài chính.

Trong khi đó, nếu ghi nhận theo khoản mục góp vốn vào đơn vị khác, doanh nghiệp sẽ được giữ nguyên giá trị khoản góp vốn này. Việc đánh giá lại chỉ xảy ra khi doanh nghiệp tăng sở hữu, thoái vốn, hoặc mang đi góp vốn cho bên thứ ba.

Tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn khiêm tốn

Tính tới 30/6/2020, tổng tài sản của SAM tăng 8,4% lên 5.649,4 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn là 1.846,7 tỷ đồng, chiếm 32,7%. Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty lên tới 1.447,9 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng tài sản.

Quay lại lịch sử, là doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn, SAM rất thuận lợi trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư giai đoạn trước. Quy mô tài sản lớn, nhưng việc đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực khiến hiệu quả sử dụng vốn của Công ty rất thấp.

6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Công ty chỉ đạt 0,1%, còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,3%. Nhìn xa hơn, trong năm 2019, ROA là 1,56%, ROE là 2,8%. Như vậy, hiệu quả đầu tư - kinh doanh của Công ty thua xa mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hàng năm.                             

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục