Sai phạm tại 5 dự án hạ tầng đầu tư công ở Hà Nội

Đội vốn, chậm tiến độ, nhiều khiếm khuyết về chất lượng, vi phạm nặng các quy định về quản lý đầu tư là những lỗi được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại 5 dự án đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách Nhà nước do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư giai đoạn 2003 - 2016.
Nổi cộm trong số các công trình để xảy ra nhiều sai sót là Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Trong ảnh: Tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Đ.T Nổi cộm trong số các công trình để xảy ra nhiều sai sót là Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Trong ảnh: Tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Đ.T

Hiệu quả thấp

Như Báo Đầu tư số 113 (ra ngày 19/9/2018) đã đưa tin, Tổng Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất Kết luận thanh tra số 1468/KL - TTCP thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016.

Ngoài 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh tốt, Thanh tra Chính phủ đã đưa vào tầm ngắm 5 dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Điều đáng tiếc là, chủ đầu tư của cả 5 dự án này đều đã để xảy ra khá nhiều “hạt sạn”, thậm chí, có công trình còn xuất hiện hàng loạt vi phạm lớn làm giảm hiệu quả đầu tư.

Nổi cộm trong số các công trình để xảy ra nhiều sai sót nhất là Hợp  phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, Hợp phần này có mục tiêu xây dựng tuyến BRT đầu tiên tại Hà Nội với chiều dài 14,7 km, bắt đầu từ bến xe Yên Nghĩa và kết thúc tại bến xe Kim Mã, với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (trong đó chi phí xây dựng 20,7 triệu USD, chi phí thiết bị hơn 24 triệu USD, phần còn lại là tư vấn đầu tư xây dựng và tư vấn dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật gần 7 triệu USD). 

Dự án có nguồn vốn đầu tư của Hợp phần BRT này là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian thực hiện là từ quý IV/2007 đến năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2013, Hợp phần BRT mới được chủ đầu tư khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và đến cuối năm 2016 mới được đưa vào hoạt động. Tổng giá trị nghiệm thu cho Hợp phần BRT được Thanh tra Chính phủ ghi nhận là 706 tỷ đồng, tổng giá trị đã thanh toán 657,5 tỷ đồng.

Sai phạm về tài chính tại các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách

 Hợp phần 1 - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, sai phạm 43,57 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - Km189), huyện Thanh Trì do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, sai phạm 19,9 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo Quốc lộ 1 đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên) do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, sai phạm 22,8 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 1B - Khu đô thị mới Việt Hưng do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, sai phạm 1,34 tỷ đồng.  

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân trên tuyến BRT bình quân 39,9 lượt người/chuyến, đạt 44,3% công suất thiết kế, trong khi tuyến được ưu tiên chiếm dụng độc quyền 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường khai thác. Ngoài việc thường xuyên gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra dù nhận được đầu tư với số tiền rất lớn.

Tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 của chủ đầu tư được thực hiện thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu phân chia chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt.

Tại Gói thầu CP08 - Đoàn xe BRT (cung cấp 35 xe buýt), Thanh tra phát hiện chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng, mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Điều 22, Luật Đấu thầu 2013, Điều 101, Luật Xây dựng 2014 về điều kiện được chỉ định thầu.

Cũng tại hợp đồng CP08, đơn vị được chọn trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An - Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải với giá trúng thầu là 176,29 tỷ đồng, trong đó Công ty Trường Hải thực hiện 75% giá trị hợp đồng (cung cấp 35 xe ô tô, bảo hành, bảo trì, các dịch vụ hậu mãi cho xe với số tiền là 171,205 tỷ đồng); Công ty Thiên Thành An thực hiện 25% giá trị hợp đồng (cung cấp, lắp đặt thiết bị; cung cấp các dịch vụ kiểm tra xe; vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ với số tiền là 5,085 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, ngoài việc hưởng số tiền 5,085 tỷ đồng, Công ty Thiên Thành An còn hưởng thêm 42,4 tỷ đồng là số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của Công ty Trường Hải cho Công ty Thiên Thành An, rồi đơn vị này xuất bán cho chủ đầu tư theo hợp đồng (đây là số tiền nằm trong phạm vi 75% công việc của Công ty Trường Hải được phân chia theo Hợp đồng).

Điều đáng nói là, cho đến khi Thanh tra Chính phủ đóng hồ sơ, Công ty Thiên Thành An không thể chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với số tiền hơn 42 tỷ đồng này. 

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp của Hợp phần Dự án BRT (CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung. Tuy vậy, chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,33 tỷ đồng, vi phạm điểm 3.1, khoản 3, Điều 6, Thông tư 04/2010/TT - BXD về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Đối với dịch vụ kiểm tra xe, vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, chủ đầu tư cũng thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký hơn 0,2 tỷ đồng (hợp đồng theo đơn giá cố định), gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Tại Gói thầu CP4d (Trạm trung chuyển bến xe Kim Mã) do nhà thầu là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Gia Long và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam thực hiện, tiến độ bị chậm 417 ngày, vi phạm khoản 1, Điều 28, Nghị định 12/2009/NĐ - CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tại Gói thầu CP4a (xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến), Gói thầu CP4b (xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa), Thanh tra Chính phủ xác định, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn khi thiết kế đã cho hay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng. Việc thay thế mặt đường bê tông nhựa được đơn vị kiểm định đánh giá “có cường độ mặt đường tốt” này đã gây lãng phí ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai Dự án, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình hệ thống BRT tại Brasin, Colombia, Ecuador, Indonesia trong các năm 2004, 2009, 2014. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khảo sát đến nay, 1 đoàn không có báo cáo kết quả; 2 đoàn có báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ cử đi khảo sát không có tài liệu để tham gia, đóng góp gì đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT.

Đội vốn, vỡ tiến độ

Tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên) do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ ghi nhận việc sau 3 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư công trình này đã tăng từ 98,86 tỷ đồng (năm 2003) lên 1.582,9 tỷ đồng (năm 2014). 

Trong lần điều chỉnh gần nhất, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Long Biên đã tự phê duyệt bổ sung hạng mục dùng chi phí giải phóng mặt bằng chuyển vào chi phí xây dựng và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trái thẩm quyền, vi phạm khoản 2, Điều 7, Nghị định số 112/2009/NĐ - CP về quản lý chi phí xây dựng công trình. Tại dự án này, dù thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp đã hết hiệu lực hợp đồng đã ký, nhưng chủ đầu tư không tiến hành gia hạn theo quy định.

Đối với hạng mục trồng cây xanh nằm trong các gói thầu: 01, 02, 03, 04 của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống do Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình thực hiện, có giá trị nghiệm thu thanh toán là 5,92 tỷ đồng, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, tự ý thay đổi thiết kế được duyệt về chủng loại cây xanh 2 bên đường từ cây hoàng lan, phượng vĩ thành cây long não, dẫn đến cây trồng bị chết hàng loạt.

Kiểm tra thực địa trên tuyến, Thanh tra Chính phủ ghi nhận trên tuyến chỉ còn 142/512 cây long não, 370 cây đã chết (72,3%). Nhà thầu tự ý thay đổi biện pháp thi công, thuê các thầu phụ thực hiện không báo cáo, không có sự chấp thuận của chủ đầu tư, không tuân thủ hợp đồng đã ký, hưởng chênh lệch 687 triệu đồng.

Tại Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ), Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư, trong khi chưa bố trí được nguồn vốn, chưa lựa chọn phương án kiến trúc công trình. Thanh tra Chính phủ xác định, điều này là chưa phù hợp với quy định tại Điều 12, Nghị định số 12/2009/NĐ - CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - Km189), huyện Thanh Trì do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ được duyệt 3,5 năm, phải điều chỉnh thời gian thực hiện 2 lần do vướng mặt bằng và nguồn vốn cấp cho thi công nhỏ giọt.

Trong quá trình thực hiện Dự án, các nhà thầu không thực hiện vận chuyển đổ thải tại vị trí đã được lập trong dự toán. Tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án chỉ tiến hành nghiệm thu khối lượng đất thải vận chuyển ra khỏi công trường, do đó không có cơ sở quản lý và xác định được cự ly đổ, vị trí đổ thải thực tế.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ yêu cầu, chủ đầu tư phải kiểm tra, rà soát công tác quản lý môi trường, thu hồi về ngân sách các khoản tiền thanh toán khối lượng vận chuyển, xử lý vật liệu thải mà nhà thầu không chứng minh được theo quy định hợp đồng.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục