Kiên trì tố cáo
Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận số 506/KL - TTCP về việc thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội). Đây là Dự án do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.
Được biết, từ tháng 7/2016 đến tháng 5/2017, ông Lương Quốc Bình, nguyên Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã liên tục gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tố cáo một loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của đơn vị quản lý dự án.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra một số nội dung mà ông Bình phản ánh, trong đó chủ yếu là liên quan tới việc thực hiện hợp đồng với đơn vị tư vấn Dự án là Systra (Pháp).
Tuy nhiên, do không nhất trí với kết luận của UBND TP. Hà Nội, ông Bình tiếp tục gửi đơn tố cáo tới Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ. Vào ngày 17/2/2017, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra Dự án theo nội dung tố cáo.
Cần phải nói thêm rằng, trong số các nội dung tố cáo, đáng chú ý nhất là việc ông Bình cho rằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã vi phạm trong điều chỉnh hợp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) cho tư vấn Systra; việc thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật liệu nổ do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đảm nhận.
Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư cũng bị cho là đã có những vi phạm khi tổ chức lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu số 1 (đoạn tuyến trên cao); Gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm); Gói thầu số 7 (hệ thống đường sắt 1). Đây là những dấu hiệu vi phạm khá nghiêm trọng đối với một công trình hạ tầng quy mô lớn, phức tạp như Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội.
Điều đáng nói là, sau gần 1 năm thanh tra (bắt đầu từ tháng 5/2017), tại Kết luận số 506, Thanh tra Chính phủ xác nhận có nhiều nội dung mà ông Bình tố cáo là có cơ sở với những mức độ vi phạm khác nhau và đều liên quan đến Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng một số đơn vị liên quan khác như Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Thanh tra TP. Hà Nội.
Chủ đầu tư lỏng tay
Trong số các nội dung tố cáo được Thanh tra Chính phủ xác định là có cơ sở, nổi cộm nhất là việc đơn vị quản lý dự án tiến hành ký Phụ lục số 2 để điều chỉnh hợp đồng trọn gói cho tư vấn Systra tăng thêm 6,5 triệu euro vào năm 2014.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, lý do mà Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra như: tăng bổ sung chi phí cho thời gian mà Systra đã thực hiện trước khi hợp đồng trọn gói có hiệu lực;
Việc điều chỉnh số gói thầu từ 4 lên 9 đi kèm với tiến độ thực hiện bị kéo dài khiến Systra phải huy động nhân sự, phát sinh thêm chi phí là không đúng quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ - CP ngày 13/6/2007 và Nghị định số 48/2010/NĐ - CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Được biết, hợp đồng tư vấn trọn gói số 01 được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và tư vấn Systra ký vào tháng 11/2007 có giá trị 10,6 triệu euro (bao gồm dự phòng); thời gian thực hiện hợp đồng là 25 tháng. Hiệu lực của hợp đồng có hiệu lực từ tháng 3/2008. Các nhiệm vụ chính của Systra là rà soát nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật; lập dự toán và tổ chức đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, với một dự án quy mô lớn, lần đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới, nhưng hợp đồng trọn gói chỉ xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi và không lường hết được tính chất phức tạp của Dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã phải ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Lần điều chỉnh giá hợp đồng được thực hiện năm 2014 nới từ 10,6 triệu euro lên 17,12 triệu euro cũng chính là lần bị ông Bình tố cáo là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.
Dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm
Đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm
Khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017
Đầu năm 2017, UBND TP. Hà Nội báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021
Tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh tăng từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.
Thanh tra Chính phủ xác nhận, thực tế tư vấn Systra có huy động nhân sự cho việc thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng có hiệu lực; việc phân chia từ 4 gói thầu lớn thành 9 gói thầu nhỏ hiện nay có phát sinh một số công việc.
Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án bị chậm trễ gần 6.680 ngày (tại thời điểm thanh tra) có lỗi của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, các cơ quan thẩm quyền Việt Nam và cả Systra nên việc bổ sung thêm chi phí tư vấn là cần thiết.
Tuy nhiên, việc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội không báo cáo kết quả rà soát cụ thể và chưa xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng trọn gói; không tiến hành giảm trừ phần lỗi thuộc trách nhiệm của tư vấn trước khi điều chỉnh hợp đồng đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Cần phải nói thêm rằng, việc chậm trễ trong thực hiện hợp đồng tư vấn trọn gói đã từng được Systra thống kê và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thống nhất.
Theo đó, trong số 6.680 ngày chậm trễ thuộc trách nhiệm của Systra 4% (chậm 193 ngày); chủ đầu tư 62,2% (chậm 4.679 ngày); tư vấn phụ 9,3% (TEDY chậm 312 ngày, SENER chậm 172 ngày; CDC chậm 44 ngày và TRICC chậm 71 ngày); sở, ngành (Hà Nội) 17,3% (chậm 983 ngày); UBND TP. Hà Nội chậm 34 ngày…
“Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Được biết, tại Kết luận số 506, Thanh tra Chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành rà soát lại trách nhiệm của tư vấn Systra trong việc thực hiện nhiệm vụ của hợp đồng trọn gói trước khi điều chỉnh, để xác định chi phí thuộc trách nhiệm phần lỗi của tư vấn và thực hiện giảm trừ khi quyết toán.