Sacombank và thương vụ "thâu tóm" lịch sử của ông Dương Công Minh

Sau hơn một năm thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng lặng sóng, mọi sự chú ý đang dồn về trường hợp tái cơ cấu Sacombank, với sự tham gia của Him Lam. Và "bom tấn" M&A năm 2017 đã được "kích nổ" với việc ông Dương Công Minh chính thức đắc cử tân Chủ tịch HĐQT của Sacombank.
Sacombank và thương vụ "thâu tóm" lịch sử của ông Dương Công Minh

Thương vụ  mở màn

Ngày 30/6, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã diễn ra, thu hút mọi sự chú ý của giới tài chínhngân hàng với tâm điểm là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam.  Trong danh sách ứng viên vào HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 được tiết lộ chỉ vài ngày trước khi Đại hội diễn ra, có tên ông Dương Công Minh (tự ứng cử).

Và cổ đông sáng giá nhất cho chức Chủ tịch HĐQT Sacombank đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ông Minh đã ghi điểm với một vụ thâu tóm lịch sử. Ngược lại, Sacombank cũng sẽ có cơ hội đón nhận hàng ngàn tỷ đồng tiền tươi từ nhóm cổ đông Him Lam.

Để chuẩn bị thương vụ này, cách đây đúng một tuần, Him Lam đã thoái toàn bộ vốn khỏi LienVietPostBank. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của LienVietPostBank, ông Dương Công Minh cũng đã tuyên bố từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. 

Việc Him Lam tham gia tái cơ cấu Sacombank được đánh giá là có nhiều điểm thuận lợi, bởi Sacombank có khối nợ xấu khủng, song lại có nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Sacombank cũng có nền tảng kinh doanh khá tốt, đặc biệt là bán lẻ. Trong khi đó, Him Lam là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi có lượng “tiền tươi” lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và là một nhà đầu tư dày dạn trên thị trường bất động sản.

Sacombank và thương vụ "thâu tóm" lịch sử của ông Dương Công Minh ảnh 1

 Đại hội đồng cổ đông của Sacombank diễn ra ngày hôm qua với gương mặt Chủ tịch HĐQT mới

Trả lời báo chí ngay sau khi nhận "ghế nóng", ông Dương Công Minh đã chia sẻ những kế hoạch ban đầu, trong đó bày tỏ sự tự tin khi đặt mục tiêu lợi nhuận gấp đôi, ở mức 1.000 tỷ so với mức 500 tỷ đồng mà HĐQT cũ đã đặt ra. Các nội dung mà ông hé mở là tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và đặc biệt là tổ chức lại bộ máy, quản lý chi phí hiệu quả.

Thương vụ rót vốn vào Sacombank của Him Lam đã thành công, Him Lam chính thức khởi động mùa M&A ngân hàng sôi động. Theo thông tin của Báo Đầu tư, 3 ngân hàng trong diện tái cơ cấu khác cũng đang chuẩn bị M&A.

Được biết, 2 trong số 3 ngân hàng yếu chuẩn bị M&A sẽ chọn đối tác trong nước. Chỉ duy nhất OceanBank chọn hướng “kết duyên” với đối tác ngoại. Do vẫn đang trong quá trình đàm phán, nên thông tin được bảo mật, song nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, nhà đầu tư này đến từ quốc gia khá gần Việt Nam, giá trị vốn hóa thị trường hơn chục tỷ USD.

Sẽ có nhà đầu tư mới đến từ ASEAN, Đông Á

Còn nhớ, 4-5 năm trước đây, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tìm hiểu ngân hàng trong nước với mong muốn mua lại, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém (vì có cơ hội sở hữu với tỷ lệ cao). Điển hình là thương vụ GPBank bán cho UOB (Singapore) tưởng chừng sắp thành công, song cuối cùng vẫn thất bại. 

Ông Minh đã ghi điểm với một vụ thâu tóm lịch sử. Ngược lại, Sacombank cũng sẽ có cơ hội đón nhận hàng ngàn tỷ đồng tiền tươi từ nhóm cổ đông Him Lam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài dè dặt mua ngân hàng nội chủ yếu là những hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần, trong khi độ rủi ro của các ngân hàng Việt được coi là khá cao. “Khảo sát cho thấy, các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ rất thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ở Việt Nam, bởi họ cho rằng, rủi ro về chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam khá lớn. Tiềm năng lớn nhất đến từ các nhà đầu tư từ khu vực ASEAN và Đông Á. Họ có nhu cầu thực sự đầu tư vào khu vực tài chính của Việt Nam, nhưng với điều kiện là họ được sở hữu trên 51% cổ phần”, ông Nghĩa nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam không còn nhiều ngân hàng “khỏe mà sạch” theo tiêu chí của nhà đầu tư ngoại. Nếu có, các ngân hàng này cũng đã tái cơ cấu thành công, tương tự TPBank.

Còn với các ngân hàng yếu có tỷ lệ nợ xấu lớn, nhà đầu tư phải rất am hiểu thị trường Việt Nam, có kinh nghiệm xử lý nợ xấu bất động sản. Nhà đầu tư trong nước dường như thuận lợi hơn nhà đầu tư ngoại về vấn đề này. Điều này cũng lý giải cho những thương vụ M&A giữa các ngân hàng trong nước có thể sắp diễn ra.

Ngân hàng Việt không dễ tìm được đối tác nước ngoài, bởi đa số thường bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá ở mức thấp và tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài chỉ dưới 30%.
- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Thùy Liên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục