Báo cáo gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CTCP Him Lam cho biết đã thoái toàn bộ 96,8 triệu cổ phiếu LienVietPostBank mà tổ chức này đang nắm giữ, tương đương với 14,98% cổ phần LienVietPostBank.
“Không có chuyện thoái vốn ra ‘sân sau’ như nhiều ý kiến đồn đoán”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã khẳng định điều này với phóng viên Đầu tư Chứng khoán.
Theo ông Hưởng, danh sách mua lại lượng cổ phiếu này là minh bạch và có báo cáo với các cơ quan quản lý. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank mua 4,3%; ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank mua 2,3%; một cá nhân và 2 doanh nghiệp mua số cổ phiếu còn lại.
“Cá nhân tôi không mua thêm cổ phiếu trong 14,98% cổ phần mà Him Lam thoái vốn. Tôi đã mua vào cổ phiếu từ khi chưa được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT và hiện tại số cổ phiếu của tôi và người liên quan là 6%”, ông Hưởng cho biết.
Chuyển hướng đầu tư
Lý do Him Lam thoái vốn khỏi LienVietPostBank được ông Hưởng cho biết là bởi “Him Lam có một cơ hội đầu tư tốt hơn”.
Cụ thể, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Him Lam hiện đang nắm giữ gần 5% cổ phiếu của Sacombank. Tổng cộng, ông Minh và người có liên quan nắm giữ hơn 10% cổ phiếu Sacombank. Theo quy định, với 10% cổ phiếu nắm giữ, đương nhiên ông Minh và người có liên quan sẽ có quyền được tự ứng cử vào HĐQT của ngân hàng này, nên ông Minh phải thoái vốn tại LienVietPostBank tránh tiếng “sở hữu chéo”.
Theo quy định hiện hành, việc “nắm” liền lúc 2 ngân hàng là không được phép. Theo ông Hưởng, ngoài lý do này thì bản thân ông Minh và Him Lam cần phải “dồn lực” cho “cơ hội đầu tư mới”.
Sacombank là ngân hàng lớn hơn LienVietPostBank về quy mô, với mức vốn điều lệ gấp 3 lần, lên tới 18.000 tỷ đồng. Để sở hữu 10% cổ phần, nếu chỉ ở mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) thì nhà đầu tư phải bỏ ra 1.800 tỷ đồng.
“Hơn 10% cổ phiếu ông Minh và người có liên quan sở hữu tại Sacombank đã hơn rất nhiều so với 14,98% cổ phiếu tại LienVietPostBank nên ông Minh phải dồn vốn”, ông Hưởng nói.
Trước câu hỏi về dự báo ai sẽ là Chủ tịch HĐQT của Sacombank, ông Hưởng từ chối trả lời và chỉ cho biết, Ngân hàng Nhà nước mới là cơ quan có tiếng nói chi phối vì lượng cổ phần đang nắm giữ tại Sacombank là rất lớn. Và dù ai làm Chủ tịch HĐQT thì chặng đường vẫn còn dài. Sacombank tốt về thương hiệu, nhưng để xử lý lượng nợ xấu lớn là điều không đơn giản. Mà nợ xấu càng để lầu càng gây lỗ thêm, bởi lãi tiền vay không thu được, nhưng vẫn phải trả lãi tiền gửi…
Người giải quyết được vấn đề này cần hội đủ 5 tiêu chí: đầu tiên, có muốn vào để ứng cử Sacombank không, bởi nếu có đủ tiêu chí mà không muốn thì cũng không giải quyết được vấn đề; hai là, phải có nghề ngân hàng; ba là, phải có nghề bất động sản; bốn là, phải có tiền thật; năm là, phải là một người thổi luồng không khi mới cho tập thể cán bộ nhân viên để họ tự tin dốc sức, tự hào về Sacombank vốn đang rất lung lay.
Còn với tương lai của LienvietPostBank mà không có Him Lam, ông Hưởng cho biết: “Việc Him Lam rút khỏi LienVietPostBank là điều đáng tiếc với Ngân hàng. Tuy nhiên, đây là quyết định của một nhà đầu tư khi nhìn thấy những cơ hội tốt hơn”.
Him Lam là cổ đông lớn, sáng lập ra LienVietPostBank và trong 9 năm qua, Him Lam đã có vai trò lớn trong việc đưa LienVietPostBank trở thành ngân hàng quy mô khá. Đặc biệt là thương vụ mua lại hệ thống Tiết kiệm Bưu điện, giúp Ngân hàng rút ngắn rất nhiều thời gian mở mạng lưới…
Him Lam nói chung và ông Minh nói riêng đóng vai trò rất lớn trong các hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội của LienVietPostBank với tiêu chí “Gắn xã hội trong kinh doanh”.
Hiện nay, LienVietPostBank đã và đang gây dựng được danh tiếng như Ngân hàng số 1 về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), theo đuổi giá trị phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, hỗ trợ địa phương nghèo phát triển….