Nhiều đề xuất liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, người nước ngoài sở hữu nhà
Theo EuroCham, với phân khúc căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn, văn phòng khách sạn và nội dung gắn với thủ tục phê duyệt đầu tư liên quan, Việt Nam cần: Ban hành quy định pháp luật với tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể về căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn và văn phòng khách sạn. Đồng thời, cần quy định rõ thời hạn sử dụng đất áp dụng cho căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn và văn phòng khách sạn.
Ngoài ra, Việt Nam cần sửa đổi quy định pháp luật về phân loại và cơ chế sử dụng đất cho căn hộ có mục đích hỗn hợp; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn và văn phòng khách sạn; Hoàn thiện các quy chuẩn xây dựng chung cư, trong đó quy định khái niệm về căn hộ khách sạn, nhà ở khách sạn và văn phòng khách sạn.
Với vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, EuroCham cho rằng cần có chính sách bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp công ty phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Theo đó, cần ban hành các quy định của pháp luật với các tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể liên quan đến năng lực tài chính của các chủ đầu tư dự án bất động sản, đồng thời quy định đảm bảo hợp đồng bảo lãnh ngân hàng là bắt buộc đối với chủ đầu tư bất động sản trước khi mở bán căn hộ.
Với vấn đề chuyển nhượng dự án, cần ban hành hướng dẫn rõ ràng cho các sở ban ngành cấp tỉnh để không xảy ra tình trạng giải thích, áp dụng pháp luật một cách bất hợp lý trong các giao dịch chuyển nhượng dự án bất động sản.
Đối với vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà, cần ban hành danh mục dự án không cho phép sở hữu nước ngoài, còn lại các dự án khác sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam.
ESG được đề cao
Với nội dung mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, theo EuroCham, cần thực hiện áp dụng Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ngoài ra, cần quảng bá Việt Nam như một điểm đến đầu tư bền vững (và tuân thủ ESG) trong khu vực ASEAN, nắm bắt cơ hội khẳng định quốc gia là điểm đến đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư châu Âu.
Việt Nam cũng cần đưa ra khung chính sách cho ESG để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định do nước sở tại áp dụng (ví dụ: Liên minh châu Âu); nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và nhà nước (cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam) về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ESG trong đầu tư M&A.
Đồng thời, Việt Nam cần khuyến khích các phương án đầu tư thân thiện với ESG bằng các khoản trợ cấp hoặc miễn trừ pháp lý phù hợp, tiến tới tạo hoặc áp dụng hệ thống xếp hạng quốc gia (nếu có thể, yêu cầu phê duyệt theo quy định) cho “giá trị ESG” của một số khoản đầu tư nhất định.
Theo EuroCham, Việt Nam nên đưa ra các hướng dẫn chặt chẽ và rõ ràng để hướng đầu tư M&A của nước ngoài vào các mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam, thúc đẩy các thực hành tốt nhất để khuyến khích đầu tư bền vững trong nước (và từ nước ngoài); Việt Nam cũng có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá ESG đáng tin cậy và được quốc tế công nhận, có thể được xác minh thông qua các nguồn độc lập.
Riêng với câu chuyện kiểm soát sáp nhập, EuroCham cho rằng cần cân nhắc loại trừ hoạt động tái cấu trúc nội bộ tập đoàn khỏi chế độ kiểm soát sáp nhập, cân nhắc tăng giá trị của các ngưỡng theo quy định về kiểm soát sáp nhập liên quan làm phát sinh các giao dịch phải được thông báo. Đồng thời, xem xét làm rõ các điều khoản của luật cạnh tranh/chống độc quyền để đưa ra các ngưỡng rõ ràng và chắc chắn cho các khoản đầu tư vào Việt Nam; nâng cao năng lực nhân sự và tăng số lượng nhân viên tại các cơ quan thẩm quyền có liên quan để tăng cường nguồn lực nhằm đáp ứng số lượng thương vụ sáp nhập ngày một gia tăng.