Lợi nhuận ấn tượng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016 của Sabeco, 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty đạt 21.809 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 3.548 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phần Sabeco đạt 5.532 đồng.
So với cùng kỳ năm 2016, Sabeco đã có bước tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận. 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của Sabeco là 20.030 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.895,742 và thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 4.516 đồng.
Như vậy, 9 tháng đầu năm 2016, Sabeco đạt mức tăng trưởng doanh thu gần 5%, nhưng lợi nhuận tăng hơn 22,5%. Việc tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu đến từ tiết giảm chi phí, với mức giảm mạnh chi phí quản lý 9 tháng đầu năm nay (trong đó chủ yếu giảm khoản mục chi phí khác). Tính đến hết 30/9/2016, chi phí quản lý của Sabeco là gần 488 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 811 tỷ đồng.
Năm 2016, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu (không có thuế tiêu thụ đặc biệt) 28.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 3.173 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 30% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong 9 tháng đầu năm, Tổng công ty đã hoàn thành vượt 11,82% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nguồn tin tại Sabeco cho biết, năm 2016, lợi nhuận Sabeco dự kiến vượt kế hoạch tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận có thể lên mức xấp xỉ 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với lợi nhuận công ty mẹ năm 2015. Đầu tháng 11/2016, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã họp và đưa ra phương án về việc tạm ứng cổ tức. Theo đó, Sabeco sẽ thực hiện ứng cổ tức năm 2016 tỷ lệ 30% vốn điều lệ bằng tiền; chia cổ tức năm 2015 từ nguồn lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ, đặc biệt là trích lập dự phòng khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo kết luận của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2010-2012 và khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung giai đoạn 2007-2009, với tỷ lệ 15%.
Tăng trưởng lớn, tài chính hấp dẫn, nhưng…
So với sự tụt lùi rất lớn về lợi nhuận của Habeco 9 tháng đầu năm, Sabeco cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của mình. Không chỉ kết quả kinh doanh ấn tượng, chia cổ tức tỷ lệ cao, Sabeco còn có tình trạng tài chính rất mạnh. Ngày 30/9/2016, theo báo cáo hợp nhất Sabeco, Tổng công ty có 6.813,756 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 3.292,767 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Các khoản hàng tồn kho, phải thu ngắn hạn khách hàng có tổng giá trị gần 3.700 tỷ đồng được coi là khá nhỏ so với tổng quy mô tài sản 22.703 tỷ đồng.
Tương tự Habeco, Sabeco hiện đã khấu hao được trên 50% giá trị tài sản cố định hữu hình, với giá đầu tư gốc 9.037 tỷ đồng. Một điểm đáng lưu ý là, trong năm qua, Tổng công ty đã từng bước thực hiện tái cấu trúc các khoản đầu tư tài chính. Tại ngày 30/9/2016, tổng giá trị các khoản đầu tư này của Tổng công ty đã giảm về 1.818,5 tỷ đồng thay vì mức 2.220 tỷ đồng hồi đầu năm.
Cơ cấu tài sản có tính lỏng rất lớn, Sabeco cũng đồng thời hầu như không sử dụng vay nợ. Cùng thời điểm trên, Tổng công ty chỉ có 1.500 tỷ đồng vay nợ ngắn và dài hạn, ngoài ra chủ yếu là các khoản phải trả, trong đó có phải trả người bán và trích lập dự phòng các khoản nghĩa vụ liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt… Hiện tại, vốn chủ sở hữu Sabeco đã đạt mức hơn 14.402 tỷ đồng trên vốn điều lệ 6.412,8 tỷ đồng.
Cơ cấu về tài sản hấp dẫn, nhưng Sabeco cũng đang chứa đựng những câu chuyện có yếu tố rủi ro chung, mà người “anh em” còn lại là Habeco đang trải qua, đó là sức ép cạnh tranh. Giữ ngôi vị số một thị trường, cách rất xa các doanh nghiệp phía sau, và đặc biệt, 9 tháng đầu năm, khối lượng bia tiêu thụ vẫn tăng khoảng 6% so với cùng kỳ, nhưng thị phần bia của Sabeco cũng không tránh được sự sụt giảm.
Báo cáo của AC Nielson cho thấy, trong tháng 8/2016, thị phần của Sabeco là 37,4%, trong khi đó, VBL (đơn vị sở hữu các thương hiệu Heineken, Tiger…) dù vẫn ở vị trí thứ 2, nhưng đã có thị phần ở mức 25,6%. Habeco và Carlsberg hầu như không thay đổi, với thị phần lần lượt là 18,3% và 10,1%.
“Sabeco vẫn tăng khối lượng tiêu thụ, nhưng bên khác tăng khối lượng tiêu thụ lớn hơn nên dẫn đến sụt giảm thị phần”, một lãnh đạo tại Sabeco chia sẻ. Vị này cho biết, các hãng bia trong nước như Habeco, Sabeco chủ yếu bán hàng ở phân khúc giá thấp, nên lợi nhuận mỏng, trong khi các hãng bia ngoại bán sản phẩm ở phân khúc giá cao hơn với biên lợi nhuận rất lớn.
“Do định giá cao hơn, nên họ sẵn sàng cắt lại một phần khá cao lợi nhuận để phát triển thị trường. Đây là điều mà các hãng bia trong nước khó làm. Thêm vào đó, tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng là, cùng bia Heineken hoặc Sabeco, nếu giá bằng nhau, họ sẽ có xu hướng lựa chọn bia ngoại. Chính vì vậy, chúng tôi chịu sức ép rất lớn trong việc duy trì thị phần và hiệu quả kinh doanh. Nếu không nỗ lực, chỉ một thời gian ngắn nữa, các hãng bia trong nước sẽ không cạnh tranh nổi”, vị này nói.