Sá xị Chương Dương (SCD): Lợi nhuận 2020 lao dốc, thù lao, lương thưởng của nhiều lãnh đạo vẫn tăng

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương- chủ thương hiệu sá xị Chương Dương sẽ không chia cổ tức năm 2020, phần vì sản lượng tiêu thụ thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Sá xị Chương Dương (SCD): Lợi nhuận 2020 lao dốc, thù lao, lương thưởng của nhiều lãnh đạo vẫn tăng

Sáng nay (22/4), đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (CDBECO, mã: SCD) được tổ chức tại TP.HCM.

Cụ thể, HĐQT công ty trình cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2020 dù kế hoạch là 8% (với khoảng 6,7 tỷ đồng). Trong khi đó, Quỹ khen thưởng phúc lợi được trích từ lợi nhuận là 1,66 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 614 triệu đồng.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 của CDBECO.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 của CDBECO.

Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của CDBECO chỉ bằng 21% so với kết quả năm 2019 nhưng thù lao, lương thưởng và các phúc lợi khác của một số cá nhân trong HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành lại tăng.

Cụ thể, thù lao của Chủ tịch HĐQT, ông Neo Gim Siong Bennett trong năm 2020 là 120 triệu đồng (tương đương năm 2019) thì ông Trần Đức Hoà, thành viên HĐQT tăng hơn 96 triệu (thù lao là 607,9 triệu đồng).

Hay ông Nguyễn Phước Thoại, Trưởng ban kiểm soát có thù lao năm 2020 là 412,5 triệu đồng, trong khi năm 2019 là 355,6 triệu đồng.

Thêm vào đó, lương, thưởng và các phúc lợi khác của ông Neo Hock Tai Schubert, Tổng giám đốc năm 2020 là hơn 1,3 tỷ đồng còn năm 2019 chưa đến 1,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc kinh doanh cũng có mức lương, thưởng và các phúc lợi khác tăng gần 370 triệu đồng trong năm 2020 (với 642,6 triệu đồng)…

Năm 2020, có 13,1 triệu lít nước giải khát của CDBECO được tiêu thụ, thấp hơn kế hoạch 65,5%.

Theo ông Nguyễn Phước Thoại, tình hình tiêu thụ năm qua của Công ty có chiều hướng đi xuống, sản lượng tiêu thụ thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh.

Mặc cho các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm chi phí vận hành đi 85 tỷ đồng so với ngân sách năm nhưng doanh thu bán hàng quá thấp so với kế hoạch nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn lỗ.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của CDBECO.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của CDBECO.

Ngành công nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và đồ uống không cồn (NAB) không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo toàn niên vào tháng 12/2020 của Neilsen, ngành FMCG giảm 7,1% so với cùng kỳ, trong khi đó ngành NAB giảm xấp xỉ 13% và với riêng CDBECO, mức giảm này còn cao hơn.

Ông Neo Bennett, Chủ tịch HĐQT CDBECO đánh giá, kết quả kinh doanh trong năm vừa qua của công ty do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm tiêu dùng do bốn làn sóng Covid-19 và không thể trang trải định phí, vốn đã được tinh gọn hơn các năm trước.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 21% so với kế hoạch và 28% so với năm 2019.

Thứ nhất, doanh thu thuần và lợi nhuận kinh doanh thấp.

Thứ hai, doanh thu tài chính thấp (99% so với kế hoạch năm 2020 và 90% so với thực tế năm 2019).

Và thứ ba, chi phí tài chính cao với 2,4 tỷ đồng, do phải ghi nhận chi phí thuê tài sản theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 6, cho việc thuê nhà máy mới.

Trong năm nay, ban lãnh đạo CDBECO kỳ vọng, sẽ là một khởi đầu mới khi công ty hoàn tất việc di dời lên nhà máy mới tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Tổng vốn đầu tư cho hệ thống nhà máy và kho chứa mới này là 80 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động sau 10 tháng khởi công (từ đầu tháng 12/2019), giúp tăng công suất của Chương Dương lên 50%, đạt mức tổng sản lượng 50 triệu lít một năm.

Ông Bennett Neo cho biết, ban Quản lý dự án này sẽ tiếp tục làm việc với đội ngũ cố vấn kỹ thuật của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để hoàn tất việc di dời về nhà máy mới và chuẩn bị sản xuất vào tháng 04/2021.

Việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự sẽ được thực hiện để bảo đảm có đủ nhân lực vận hành nhà máy mới.

Tính đến 16/03/2021, Sabeco sở hữu 62% vốn CDBECO còn PY Fund nắm 5,65%.

CDBECO trình cổ đông thông qua kế sản lượng tiêu thụ năm nay là 22 triệu lít và tổng doanh thu thuần 294 tỷ đồng; tăng lần lượt 68% và 81% so với kết quả năm 2020.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 kỳ vọng tăng 34% so với năm 2020, ước đạt xấp xỉ 4,6 tỷ đồng.

Để tăng sản lượng sản phẩm được tiêu thụ, CDBECO sẽ phát triển kinh doanh ở các đô thị lớn loại II và nếu đạt kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo công ty sẽ đề xuất chi cổ tức 5% vì 2021 được dự báo là năm của phục hồi và đầu tư.

07 thách thức và nguy cơ với CDBECO được ban lãnh đạo công ty này đưa ra:

(1): Bốn làn sóng Covid-19 trong năm 2020 đã làm suy giảm nhu cầu mua sắm tiêu dùng.

Điều này đe dọa sự phục hồi mong manh mà thương hiệu sá xị đạt được trong năm 2019.

(2): Mạng lưới phân phối và bán hàng của Chương Dương suy giảm theo ngành hàng NAB, thậm chí với tốc độ cao hơn do Chương Dương chưa có được thế mạnh, nguồn lực và khả năng phục hồi của những công ty đứng đầu thị trường.

(3): Việc các công ty đứng đầu thị trường bán phá giá và chặn đường tiếp cận khách hàng tiếp tục gây áp lực cho Chương Dương về giá bán, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.

(4): Nguồn lực hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc bắt nhịp thị trường về quy mô phân phối, danh mục sản phẩm, năng lực sản xuất, xu hướng SKU và các hoạt động marketing mới mẻ.

(5): Việc tuyển dụng và giữ chân đội ngũ bán hàng tiếp tục là một thách thức lớn.

(6): CDBECO quá lệ thuộc vào sá xị làm nguồn thu và nguồn sản lượng chính.

(7): Sự phục hồi kinh tế đầy đủ sau đại dịch Covid-19 vẫn là một điều chưa chắc chắn.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục