Tiền chiếm tỷ trọng lớn
Theo báo cáo tài chính quý I/2019, tổng tài sản của CDBeco tại thời điểm ngày 31/3/2019 là 233,6 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 191 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu tài sản ngắn hạn có thể thấy 2 khoản mục chiếm tỷ trọng chủ yếu chỉ là tiền (và các khoản tương đương tiền) với giá trị 78,6 tỷ đồng và đầu tư tài chính ngắn hạn 90 tỷ đồng. Tổng cả hai khoản này lên tới 168,6 tỷ đồng, chiếm trên 88% tổng tài sản ngắn hạn.
Với sự áp đảo của tiền và đầu tư tài chính, các loại tài sản ngắn hạn khác trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hầu như không đáng kể. Theo đó, các khoản phải thu ngắn hạn chỉ có giá trị có 4,7 tỷ đồng, chiếm 2,46% tài sản ngắn hạn; hàng tồn kho chỉ có 17,3 tỷ đồng, chiếm 9% tổng giá trị tài sản ngắn hạn.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của CDBeco, toàn bộ khoản 90 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty là tiền gửi có kỳ hạn (từ 3 tháng đến dưới 1 năm). Trong khi đó, trong cơ cấu tiền (và tương đương tiền) có 58,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (dưới 3 tháng), 163,6 triệu đồng tiền mặt và một khoản 20 tỷ đồng là tài sản tương đương tiền.
CDBeco không liệt kê chi tiết các khoản tương đương tiền cụ thể là gì, nhưng theo nguyên tắc ghi nhận khoản mục này được Công ty trình bày trong báo cáo tài chính, thì tiền và các khoản tương đương tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn hoặc ngắn hạn, các khoản đầu tư có tính thanh khoản cao dễ dàng chuyển đổi thành tiền.
Trong khi đó, tại báo cáo tài chính năm 2018 có kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán KPMG, đầu tư tài chính ngắn hạn của CDBeco vẫn là 90 tỷ đồng. Khoản mục này được Công ty diễn giải trong thuyết minh báo cáo tài chính là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, phản ánh tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với thời gian đáo hạn trên 3 tháng, nhưng dưới 12 tháng kể từ ngày gửi tiền. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam và hưởng lãi suất 6%/năm.
Cũng trong báo cáo tài chính năm 2018, tiền và các khoản tương đương tiền là 65 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi ngân hàng là 54,4 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 10 tỷ đồng. Theo diễn giải trong thuyết minh báo cáo tài chính, các khoản tương đương tiền phản ánh các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng với thời gian đáo hạn không quá 3 tháng và hưởng lãi suất 4,1 - 5,3%.
Việc có lượng tiền lớn thể hiện Công ty có khả năng thanh toán tốt, nhưng tỷ trọng tiền quá lớn so với tổng tài sản cho thấy, doanh nghiệp chưa phát huy tối đa hiệu quả tiền vốn, dòng vốn không được đưa vào phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía nhà đầu tư, cổ đông gửi tiền vào doanh nghiệp với kỳ vọng Công ty dùng tiền để kinh doanh sinh lợi, chứ không phải để “nằm ngủ” trong ngân hàng hoặc trong két của doanh nghiệp.
Một trong những chuyện đáng nhớ trên sàn chứng khoán là trường hợp Công ty Chứng khoán Kim Long đã bị các cổ đông buộc phải giải thể để chia tiền, vì doanh nghiệp để tiền “ngủ” quá lâu, không đưa vào kinh doanh.
Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi vấn đề trên với ông Schubert Neo, Tổng giám đốc CDBeco. Ông Schubert Neo chỉ cho biết khá sơ lược rằng, Công ty luôn tìm cách cải thiện hiệu quả tài chính, song hiện tại, CDBeco chủ yếu tập trung vào việc cải thiện hiệu suất hoạt động kinh doanh cốt lõi và kinh doanh các loại nước giải khát.
“Truyền thống tiền nhiều”
Với một số doanh nghiệp, trong thời điểm ngắn hạn nào đó, họ có thể có dòng tiền đổ về nhiều do tính mùa vụ của hoạt động bán hàng. Tuy nhiên, với CDBeco, việc nhiều tiền đã tồn tại khá “bền bỉ” qua nhiều quý, thậm chí nhiều năm.
Từ quý I/2018 đến quý I/2019, giá trị tiền (và các khoản tương đương tiền) tuy có giảm, nhưng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng lên. Theo đó, tổng 2 khoản này vẫn luôn duy trì ở mức rất cao suốt hơn 1 năm qua.
Cụ thể, hai khoản này đạt giá trị 141 tỷ đồng vào quý I/2018, chiếm tới 80% tài sản ngắn hạn; tăng lên 146,7 tỷ đồng vào quý II/2018, chiếm 84% tài sản ngắn hạn; tiếp tục tăng lên 156,4 tỷ đồng vào quý III/2018, chiếm 86,2% tài sản ngắn hạn. Trong 2 quý gần đây nhất, tổng 2 khoản này lần lượt là 155 tỷ đồng và 168,6 tỷ đồng, chiếm tương ứng 80% và 88,3% tài sản ngắn hạn.
Theo dõi diễn biến theo năm, thì các tài sản tiền (và tương đương tiền) cùng với đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn luôn ở mức cao trong suốt vài năm qua. Cụ thể, tổng 2 khoản này là 150,7 tỷ đồng vào cuối năm 2015, đạt 150 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Năm 2017 giảm còn 107,9 tỷ đồng, nhưng lại tăng lên 155 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Trong 4 năm qua, vốn chủ sở hữu của Công ty vẫn duy trì ở mức trên dưới 200 tỷ đồng.
Quan sát số liệu tài chính của một số đại gia ngành rượu - bia - nước giải khát, có thể thấy, các doanh nghiệp này cũng có khá nhiều tiền, song không nhiều như CDBeco, xét về tỷ trọng so với tài sản và nguồn vốn.
Cụ thể, giá trị tuyệt đối của các khoản mục tiền (và tương đương tiền) cùng với đầu tư tài chính ngắn hạn của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) so với vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý I/2019 tương ứng là 66,5% và 72,1%, so với mức 87% của CDBeco.
Hiệu quả tài chính chưa rõ ràng?
CDBeco tuy có lượng lớn tiền gửi ngân hàng, nhưng lượng tiền thu về trong các hoạt động tài chính lại rất thấp. Doanh thu từ hoạt động tài chính của CDBeco trong quý I/2019 chỉ đạt chưa đến 1,7 tỷ đồng, bằng khoảng 1% tổng số dư tiền (và tương đương tiền) cộng với đầu tư tài chính ngắn hạn trong quý I/2019.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề liên quan đến thu nhập hoạt động tài chính trong quý I/2019 đạt thấp, ông Schubert Neo cho biết, doanh thu từ hoạt động tài chính bị sụt giảm trong quý I/2019 so với năm ngoái là do Công ty thực hiện chi trả cổ tức. Tuy nhiên, theo tham khảo của phóng viên Báo Đầu tư với một chuyên gia kiểm toán thuộc Công ty Kiểm toán Deloitte, về nguyên tắc hạch toán, hoạt động chi trả cổ tức không ghi nhận vào doanh thu/chi phí của doanh nghiệp, mà phải ghi giảm vào lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán.