Cuối tuần qua, ông Nguyễn Hữu Doanh, Chủ tịch HĐQT S74 đã có cuộc gặp mặt với đại diện cổ đông (nhóm cổ đông chiếm hơn 26% cổ phần) để giải tỏa những khúc mắc cũng như bức xúc từ phía cổ đông, liên quan đến việc chậm trả cổ tức 3 năm qua.
Ông Doanh cho rằng, Công ty không công bố sai lệch thông tin về việc chia cổ tức. Từ năm 2011 đến 2013, S74 chốt tỷ lệ cổ tức lần lượt là 15%, 8%, 8%, nhưng nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ chia cho các năm tiếp theo.
Xét một cách tổng thể, Công ty đảm bảo lợi nhuận để có thể chia cổ tức từ 18 - 20%/năm như đã công bố trong bản cáo bạch. Tuy nhiên, công tác thu hồi vốn chậm đã ảnh hưởng đến nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do Công ty ưu tiên đảm bảo vốn cho sản xuất, đồng thời tập trung vốn đầu tư vào một số dự án nên dẫn tới chậm trả cổ tức.
Vị Chủ tịch S74 cho biết, đến nay, Công ty đã bước đầu vượt qua khó khăn nên Ban lãnh đạo đồng ý phương án chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 23% bằng tiền năm 2011 và 2012 vào ngày 3/11 tới. Ngoài ra, Công ty đang kinh doanh thuận lợi nên sẽ cân nhắc xin ý kiến cổ đông thay đổi phương án chia cổ tức năm 2014 từ 8% lên 20%.
Tóm tắt lại một chút nguyên nhân dẫn đến việc cổ đông bức xúc với Ban lãnh đạo S74 đó là, trong 3 năm qua, S74 chưa trả cổ tức, nhưng vẫn hạch toán vào báo cáo tài chính, thậm chí những báo cáo này đều đã được kiểm toán.
Cổ đông đã dẫn chứng về sai phạm trong công bố thông tin, S74 và đơn vị kiểm toán vi phạm nguyên tắc kế toán tài chính trong báo cáo đăng tải trên website của Sở GDCK Hà Nội, đó là trích lập cổ tức các năm 2011 - 2013 trong khi chưa chốt danh sách thanh toán cổ tức cho cổ đông. Như vậy, Công ty đã tự ý “vay” số cổ tức của cổ đông để tái đầu tư và nay, khi cổ đông gây sức ép, Công ty mới trả lại.
Không chỉ bức xúc về việc chậm trả cổ tức, nhóm cổ đông còn cho rằng, Ban lãnh đạo S74 đã đầu tư sai 6,31 tỷ đồng vào mỏ đá 40 héc-ta tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Về nội dung này, ông Doanh cho biết, dự án này tuy chưa cho ra sản phẩm ngay, nhưng đây là một khoản đầu tư hiệu quả, có triển vọng lãi lớn trong tương lai.
Lãnh đạo S74 cũng cho biết, việc đầu tư mới dây chuyền thứ hai công suất 350.000 m3 cát đá/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) là cần thiết, giúp S74 có thêm khoảng 22 tỷ đồng doanh thu mỗi quý do trên công trường Formosa, Công ty đang đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 1.500 m3 cát đá/ngày để cung cấp cho kênh dẫn dòng tại đây.
Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo S74, trao đổi với ĐTCK, đại diện nhóm cổ đông S74 là ông Trần Bình Minh cho hay, sự lên tiếng của các cổ đông, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng mà ĐTCK là tờ báo tiên phong phản ánh chân thực sự việc đã tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và cổ đông.
“Tiếng nói của truyền thông đã giúp khơi thông bế tắc, hiểu lầm giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông, tạo động lực cho nút thắt khúc mắc được tháo gỡ và tạo niềm tin trong đầu tư giá trị”, ông Minh nói.
Vụ việc tại S74 cho thấy, các cổ đông cần lên tiếng để tự bảo vệ mình. Không chỉ cổ đông S74, mà hiện nay, không ít doanh nghiệp niêm yết khác cũng có “vấn đề” về việc trả cổ tức.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc doanh nghiệp chậm trả cổ tức diễn ra khá phổ biến trên TTCK. Tuy nhiên, do cổ tức là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, pháp luật gần như chưa có sự can thiệp, nên hai bên chỉ giải quyết dựa trên thảo luận, thống nhất, chứ bản thân cổ đông không thể khởi kiện doanh nghiệp.
Cũng vì chưa có quy định thời hạn phải trả và cũng không có quy định xử phạt nếu chậm trả cổ tức, nên các doanh nghiệp đang áp dụng rất “tự do”. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền nên bổ sung quy định về thời hạn chốt chia cổ tức, có chế tài đối với lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm để tạo niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.