Rút ngắn khoảng cách từ chủ trương đến thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ xử lý khối lượng công việc kỷ lục: 54 nghị quyết và luật về công tác lập hiến, lập pháp, cùng 14 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều vấn đề quan trọng khác. Trong đó, hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đang chờ được thông qua.
Hàng loạt quyết sách nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-TW đang được Quốc hội xem xét, thông qua Hàng loạt quyết sách nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-TW đang được Quốc hội xem xét, thông qua

Doanh nghiệp kỳ vọng vào chính sách đột phá

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, chính thức xác lập vị thế mới cho khu vực kinh tế này là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. So với Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, đây là bước tiến mang tính đột phá.

Nghị quyết 68/NQ-TW không chỉ khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, mà còn xóa bỏ định kiến kéo dài, đồng thời tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, thông thoáng, cùng với đó là quan điểm nhất quán “không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Một ngày sau, ngày 5/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp, vì hàng loạt quyết sách nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-TW sẽ được xem xét, thông qua, giúp “la bàn chính sách” sớm đi vào cuộc sống.

Ngày 17/5, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các điểm đáng chú ý: chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu sai phạm rõ ràng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu cho doanh nghiệp mới thành lập; Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được thuê nhà và đất là tài sản công chưa sử dụng; ưu tiên áp dụng biện pháp dân sự, kinh tế trong xử lý sai phạm của doanh nghiệp; không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự được sửa đổi một số nội dung tại Kỳ họp này, nhằm nhất quán quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế”.

Ngoài ra, hàng loạt luật và nghị quyết liên quan đến doanh nghiệp nằm trong chương trình lập pháp của Kỳ họp thứ 9 vừa được Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chỉnh sửa, bổ sung theo hướng cập nhật tinh thần Nghị quyết 68/NQ-TW.

Cụ thể, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (dự kiến thông qua vào chiều ngày 13/6 tới) đã sửa đổi, bổ sung 15 nội dung so với luật hiện hành, trên tinh thần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Việc đăng ký doanh nghiệp chỉ cần sử dụng định danh cá nhân (căn cước công dân), thay vì phải nộp các giấy tờ truyền thống, bao gồm phiếu lý lịch tư pháp. Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật giảm quy định tiền kiểm, tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp, cho phép viên chức tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 16/6 tới, nhiều ưu đãi vượt trội đã được thiết kế cho lĩnh vực khoa học, công nghệ như bổ sung khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; khoản thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có thể sẽ có hiệu lực từ 1/10/2025, sớm hơn kế hoạch ban đầu 3 tháng.

Trong khi đó, tại dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần đầu tiên ra mắt, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, không chỉ bằng nguồn lực nội tại mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách “mồi” tài chính, theo nguyên tắc “Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3 - 4 đồng từ doanh nghiệp”. Nếu như trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chỉ được 10%, thì thời gian tới có thể lên tới 80%.

Không chỉ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước cũng đang phấn khởi, vì tại Kỳ họp này, dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 hiện hành) sẽ được thông qua, trên cơ sở cắt giảm tới 30% thủ tục kinh doanh và 50% thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo có bước tiến lớn khi chuyển từ tư duy Nhà nước quản lý doanh nghiệp có vốn góp sang tư duy chỉ quản lý phần vốn góp tại doanh nghiệp nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, có hàng loạt nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2026, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là không để thể chế tạo ra rào cản, mà trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, thể hiện ở Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân…

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Nghị quyết 68/NQ-TW và hàng loạt chính sách mới ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025, tạo tiền đề để tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, Nghị quyết 68/NQ-TW đã chỉ ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay, bao gồm rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý.

Thứ trưởng nhận định, lâu nay, Nhà nước có quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Lần này, Nghị quyết 68-NQ/TW xác định sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự và kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Hay muốn doanh nghiệp tư nhân mau lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần có quy định pháp lý cụ thể. Nhà nước phải có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc ưu đãi, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án trọng điểm quốc gia.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận xét, ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành, hàng loạt chính sách nhằm thể chế hóa Nghị quyết đã được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội, cho thấy phản ứng chính sách rất nhanh, nhờ đó rút ngắn được khoảng cách từ chủ trương đến thực thi.

Ở một góc tiếp cận khác, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu chuyên trách, Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cho rằng, cần sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật, quy định và cập nhật ngay vào các dự án luật, nghị quyết đang xây dựng. Trong đó, rà soát để bãi bỏ ngay 30% thủ tục hành chính, quy định với các danh mục, phụ lục cụ thể về điều kiện kinh doanh từ các bộ, ngành. Ông Hiếu đề xuất, Chính phủ nên thành lập cơ quan trực thuộc để rà soát, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục