Rủi ro với thị trường chứng khoán không đến từ vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những lo ngại về lạm phát tăng và khả năng lãi suất của các ngân hàng trung ương bao gồm cả Việt Nam, giới đầu tư hiện có thể yên tâm hai yếu tố này đã có thể tiên liệu được.
Rủi ro với thị trường chứng khoán không đến từ vĩ mô

Giữ nguyên lãi suất điều hành là hợp lý

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, lạm phát tăng hiện nay không phải do sức cầu tăng và do thừa tiền trong lưu thông, mà do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa khiến chi phí vận tải, chi phí lưu kho, cảng tăng lên.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định đến năm 2023 mới tăng lãi suất vì nhận định rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ tiêm vắc-xin trên diện rộng thì giá cả hàng hóa sẽ điều chỉnh và lạm phát trở lại bình thường. Vì thế, không cần rút tiền ra khỏi nền kinh tế.

Ngược lại, nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ rút bớt tiền ra khỏi lưu thông lúc này có thể gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế sau dịch, bởi người dân sẽ giảm chi tiêu, thậm chí có thể dẫn đến giảm phát, một nguy cơ lớn hơn và khó khắc phục hơn.

Tại Việt Nam, lạm phát cũng có đặc điểm giống như trên toàn cầu, nên việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành là hợp lý.

Tiền chảy vào kênh đầu tư chứng khoán là do yếu tố hành vi của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không phải tiền tín dụng, vì các ngân hàng hiện nay quản trị theo chuẩn mực cao, không dễ để vốn vay sử dụng sai mục đích.

Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành và xem xét giảm nếu điều kiện cho phép, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển, vì lạm phát năm nay được dự báo ở mức hơn 4%, vẫn nằm trong kịch bản đã tính trước.

Trong điều kiện lãi suất tiền gửi thấp thì tiền chảy vào kênh đầu tư chứng khoán là do yếu tố hành vi của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không phải tiền tín dụng, vì các ngân hàng hiện nay quản trị theo chuẩn mực cao, không dễ để vốn vay sử dụng sai mục đích.

Việc người dân rút tiền tiết kiệm đầu tư chứng khoán giúp thị trường sôi động, doanh nghiệp huy động được vốn để phát triển, vượt qua khó khăn vì đại dịch là điều tích cực.

Thị trường tiếp tục có “sóng”

Khi nhà đầu tư tạm yên tâm bởi các yếu tố lạm phát, lãi suất, dòng tiền, thì thành công trên thị trường chứng khoán chủ yếu phụ thuộc vào việc lựa chọn cổ phiếu, bởi các cổ phiếu có sự phân hóa và dòng tiền luân chuyển nhanh.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB nhận xét, trong thời gian qua, nhà đầu tư sôi sục với những con “sóng” trên thị trường, điều này phù hợp với sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm blue-chip sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Thanh khoản ở các nhóm này không cao là điểm hạn chế cho dòng tiền lớn, nên đây có thể là làn sóng đầu cơ trong lúc nhóm cổ phiếu lớn gặp áp lực điều chỉnh ngắn hạn.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cho biết, diễn biến của các đợt sóng tăng của thị trường từ trước tới nay thường diễn ra theo hướng, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu vốn hóa lớn trước, khi cung - cầu tại nhóm này trở nên cân bằng và đà tăng giá chững lại thì dòng tiền chốt lời có xu hướng chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chưa tăng nhiều, hoặc các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ.

Hiện tại, dòng tiền vẫn luân chuyển trong thị trường và phiên cuối tuần qua có dấu hiệu quay lại nhóm vốn hóa lớn, giúp VN30 tăng điểm mạnh hơn VN-Index.

Trước đó, VN-Index lình xình trước ngưỡng 1.400 điểm, với thanh khoản giảm, cho thấy dòng tiền mua lên vùng giá cao không còn mạnh như trước, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, phiên cuối tuần qua, hai chỉ số bật tăng khá mạnh.

Dự báo, ngoài nhóm vốn hóa lớn, dòng tiền thời gian tới nhiều khả năng sẽ tập trung vào những nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2021 như nguyên vật liệu, chứng khoán.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh từ trước, nên dư địa tăng giá không còn nhiều. Với gần 1.700 cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch, nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ trước khi giải ngân.

Với quan điểm thận trọng, anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội nêu quan điểm, thanh khoản giảm khi chỉ số ở vùng đỉnh báo hiệu thị trường đang có “nguy” nhiều hơn “cơ”. Việc mua mới không còn quá hấp dẫn nếu các yếu tố mới không xuất hiện, hỗ trợ thị trường.

Thành Nam - Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục