Rủi ro với ĐHCĐ bất thường!

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp 2005 sửa đổi đang được tổ chức xin ý kiến các bên liên quan để có thể trình xin ý kiến Quốc hội kỳ họp dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới. Bài viết này chỉ ra một số khiếm khuyết trong Luật Doanh nghiệp hiện hành trong quy định về tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), đặc biệt là quy định về cách thức và quyền hạn triệu tập ĐHCĐ bất thường.

Nhiều vi phạm quyền tham dự ĐHCĐ của cổ đông

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, ĐHCĐ gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của CTCP. Nguyên tắc tham dự ĐHCĐ của các cổ đông có quyền biểu quyết là “một cổ phần, một phiếu bầu” (one share- one vote). Tuy nhiên, thực tế, tại nhiều CTCP hiện nay (bao gồm cả các công ty đại chúng), nguyên tắc này bị vi phạm nghiêm trọng.

Chẳng hạn, có nhiều CTCP tự đặt ra quy định hoặc quy định trong Điều lệ về việc cổ đông phải nắm trong tay số lượng cổ phần nhất định mới được tham dự ĐHCĐ như: 500, 1.000, 2.000 cổ phần… Lý do mà họ đưa ra là công ty có số lượng cổ đông lớn nên không thể thuê được địa điểm để tổ chức cho tất cả các cổ đông tham dự, chưa kể kinh phí gia tăng, thậm chí lãng phí nếu cổ đông không tham dự; thực hiện nguyên tắc “một cổ phần, một phiếu bầu” có thể khiến cho ĐHCĐ kéo dài hơn dự kiến do thủ tục triệu tập phức tạp mà khoảng thời gian từ khi chốt danh sách đến khi họp là ngắn (dưới 30 ngày làm việc).

Hay việc quy định một tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhất định đã được thể hiện trong Điều lệ mà chính các cổ đông đã thông qua nên mặc nhiên các cổ đông phải công nhận (bao gồm cả cổ đông vào công ty sau này)…

Tuy nhiên, xét theo quy định của pháp luật và quản trị, việc lập luận như vậy cho thấy vấn đề tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, quản trị công ty và tôn trọng các cổ đông của nhiều CTCP hiện rất thiếu và kém. Mặt khác, nó cũng cho thấy, hiện chưa có một chế tài đủ mạnh được luật hóa để có thể xử lý vi phạm này một cách hữu hiệu.

Tại nhiều công ty, nếu như nhóm cổ đông lớn lại nắm được tỷ lệ cổ phần bảo đảm cho lần tổ chức đại hội lần thứ nhất thành công (tỷ lệ từ 65% vốn có quyền biểu quyết trở lên) thì tình trạng vi phạm quy định về tổ chức họp ĐHCĐ, xâm phạm quyền lợi của các cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số diễn ra khá thường xuyên. Vụ việc tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng mà Báo ĐTCK từng phản ánh là một ví dụ điển hình. Một nhóm cổ đông lớn tại công ty này sau khi tập hợp được số cổ đông chiếm 66% sở hữu, đã tiến hành ĐHCĐ bất thường để thông qua các nghị quyết có lợi cho mình. Trong khi đó, nhiều cổ đông nhỏ cho biết, họ không nhận được giấy mời, thậm chí bị ngăn cản tham gia đại hội.

Trên thực tế, việc không cho phép tất cả các cổ đông tham dự đại hội còn có thể dẫn đến nguy cơ tranh chấp nội bộ kéo dài. Bởi khả năng nhóm cổ đông thiểu số kia tập hợp lại (Luật Doanh nghiệp cho phép nhóm cổ đông nắm giữ 10% vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác quy định tại Điều lệ có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ) cũng đứng ra triệu tập một cuộc họp để phản ứng lại các nội dung đã được thông qua tại cuộc họp trước đó… là rất lớn.

 ĐHCĐ bất thường: rủi ro vì luật

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Nếu DN không tổ chức đúng thời hạn này, có thể bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, theo Điều 11, Nghị định 108/2013/NĐ-CP, nếu DN vi phạm quy định pháp luật về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của ĐHCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát, sẽ bị phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng.

Có thể thấy, sự khác nhau giữa ĐHCĐ thường niên và bất thường nằm ở thẩm quyền triệu tập và nội dung thông qua tại đại hội. Tuy nhiên, nếu như quy định về việc triệu tập ĐHCĐ thường niên chi tiết bao nhiêu thì với ĐHCĐ bất thường lại sơ sài bấy nhiêu. Điều này cho thấy những khiếm khuyết của Luật Doanh nghiệp 2005.

Thứ nhất, việc Luật Doanh nghiệp cho phép HĐQT triệu tập họp bất thường ĐHCĐ nếu “xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty” (khoản 3, điểm a Điều 97) là một quy định mang tính rủi ro, nếu không nói là vi phạm quyền lợi của cổ đông thiểu số. Bởi lẽ, nếu như HĐQT lại là đại diện cho tiếng nói của cổ đông lớn (mà thực tế thường là như vậy), thì việc cho họ quyền triệu tập ĐHCĐ bất thường bất cứ lúc nào để thực hiện thẩm quyền của ĐHCĐ là một việc làm nguy hiểm.

 
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp không có quy định rõ ràng về việc ĐHCĐ bất thường được tổ chức như thế nào khi thời hiệu tổ chức ĐHCĐ thường niên vẫn còn (từ 4 - 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính) cũng là một khiếm khuyết. Do không có quy định rõ ràng về vấn đề này nên tại nhiều CTCP hiện nay, khi đang trong thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên, nhóm cổ đông lớn thông qua HĐQT đã tiến hành triệu tập ĐHCĐ bất thường để thực hiện các mục tiêu và lợi ích nhóm của mình, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của các nhóm cổ đông thiểu số còn lại. Đáng lưu ý là, trong nhiều trường hợp khi nhóm cổ đông thiểu số khởi kiện ra Tòa án, thì Tòa mặc nhiên công nhận lý do “vì lợi ích của công ty” hoặc đơn giản là  “vì Luật Doanh nghiệp không quy định vấn đề này”.

Do đó, tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 sắp tới, nên sửa đổi những bất cập này theo hướng “trong thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên, DN không được tổ chức ĐHCĐ bất thường để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ thường niên”.

Luật sư Lê Minh Toàn Công ty Luật Lê Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục