Kinh tế Trung Quốc suy yếu là rủi ro vĩ mô đáng chú ý
Theo KBSV, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc đã được xác nhận với nhiều chỉ báo vĩ mô gây thất vọng. Đồng loạt bị các tổ chức tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, đà sụt giảm ở thị trường bất động sản vẫn đang diễn ra, và rủi ro giảm phát trở nên hiện hữu là 3 yếu tố cho thấy sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Cụ thể, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America), Citigroup, Goldman Sachs đồng loạt hạ thấp triển vọng tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 của quốc gia này, xuống mức thấp nhất là 4,7%, dưới mục tiêu 5% của Chính phủ.
Cơ sở của những lo ngại trên từ 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu đi. Doanh số bán lẻ tháng 8 chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, giảm so với mức kỳ vọng của thị trường là 2,5% và cách xa so với mức 2,7% của tháng 7, mặc dù hiện tại đang trong giai đoạn cao điểm du lịch mùa hè. Niềm tin người tiêu dùng cũng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, phản ánh sự kém lạc quan trong việc chi tiêu.
Niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử |
Thứ hai, hoạt động đầu tư chậm lại. Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định trong 8 tháng 2024 giảm xuống còn 3,4%, từ mức 3,6% trong 7 tháng 2024 và dưới mức kỳ vọng của thị trường là 3,5%. Mặc dù Chính phủ đã tích cực phát hành trái phiếu trong tháng 8, đầu tư cho lĩnh vực được coi là chủ chốt như là hạ tầng, sản xuất, bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng các lĩnh vực tiếp tục trong xu hướng giảm kể từ khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại sau đại dịch.
Thứ ba, triển vọng từ xuất khẩu đang bị đe dọa. Mặc dù số liệu tháng 8 tăng trưởng so với cùng kỳ đạt 8,7% - mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, lĩnh vực này đang đặt ra những lo ngại về tính đóng góp bền vững cho GDP khi tăng trưởng xuất khẩu nhờ sản lượng được đẩy mạnh, thay vì giá trị trên hàng hóa được cải thiện. Tình trạng dư thừa công suất trong nước khiến cho các nhà sản xuất phải đẩy hàng tồn với giá rẻ ồ ạt ra khắp thế giới. Điều này làm cho nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại và xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho các mặt hàng đến từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa thể gỡ rối cho thị trường bất động sản. Theo dữ liệu tháng 8 mới được công bố, giá nhà bán mới và thứ cấp giảm lần lượt là 5,5% và 8,6% so với cùng kỳ, mức giảm sâu nhất kể từ 2015. Đà sụt giảm có thể tiêu cực hơn khi số liệu giá nhà so với tháng liền kề đều đang cho thấy sự lao dốc. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã tung ra các gói hỗ trợ từ việc hạ lãi suất điều hành, cũng như là cung cấp vốn cho các thành phố để mua lại bất động sản tồn kho, việc giải ngân vốn và sức ảnh hưởng vẫn còn đang rất ì ạch. Vấn đề dư cung nhưng thiếu cầu tại các thị trường cấp 3, tuy nhiên ngược lại ở các thị trường cấp 1, lại càng khiến cho chính sách mua lại bất động sản của các địa phương càng khó khăn hơn.
Trung Quốc chưa thể gỡ rối cho thị trường Bất động sản. |
Cuối cùng, áp lực giảm phát đang dần hình thành. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ 2023, đánh dấu tháng thứ 3 tăng yếu hơn dự báo, trong khi giá tiêu dùng gần như không tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa dịch vụ khác. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cũng đã liên tục giảm từ cuối năm 2022, với mức giảm 1,8% trong tháng 8 – mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Lo ngại về một vòng xoáy giảm phát là hoàn toàn có cơ sở khi người tiêu dùng trong nước đang ngày càng hạn chế chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu. Trong khi đó, giá bất động sản vẫn tiếp tục trên đà sụt giảm và tình trạng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tạo áp lực lên giá hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt chính sách kích thích, trải rộng từ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường vốn, bất động sản đến thị trường chứng khoán, khi số liệu vĩ mô đang cho những tín hiệu xấu đi. Những động thái thay đổi đồng loạt như vậy của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được coi là chưa từng có. Chỉ một vài lần trong quá khứ PBOC cắt giảm lãi suất điều hành và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong cùng 1 tháng, và năm 2008 là một ví dụ. Điều này cho thấy sự cấp bách trong việc ngăn chặn rủi ro giảm phát, cũng như là đưa tăng trưởng đạt mục tiêu 5%.
“Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các biện pháp hỗ trợ và tác động trên thực tế sẽ cần phải quan sát thêm. Các chính sách mặc dù hướng tới sự nới lỏng áp lực trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, nhưng chúng tôi cho rằng các rủi ro gây ra tình trạng trì trệ hiện nay của Trung Quốc mang tính cấu trúc nhiều hơn, và các gói kích thích của Chính phủ đang chỉ mang đến những hiệu ứng tâm lý tích cực của thị trường trong ngắn hạn. Trong khi đó, các biện pháp vẫn đang đặt ra những câu hỏi về sự ảnh hưởng rõ ràng”, KBSV nhận định.
Lĩnh vực nào của Việt Nam chịu ảnh hưởng?
Theo KBSV, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sẽ có các tác động tích cực trong ngắn hạn, phần nào cải thiện tâm lý người tiêu dùng và hỗ trợ thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn là không thể đảo chiều do các vấn đề của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mang tính chất cấu trúc. Theo đó, đây vẫn là yếu tố rủi ro đáng chú ý đối với thị trường chứng khoán Việt Nam do mức độ liên kết cao giữa 2 nền kinh tế.
Các ngành chịu tác động rủi ro chính bao gồm: Ngành hàng không, dịch vụ: khách Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn và chi tiêu mạnh tay nhất trong lượng khách du lịch tới Việt Nam. Sự sụt giảm về tăng trưởng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, khiến cho người dân Trung Quốc hạn chế chi tiêu ngoài các mặt hàng thiết yếu, tác động tới lượng khách tới Việt Nam giảm mạnh.
Hàng hoá xuất khẩu: Với việc Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ hàng hoá Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ), việc kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ làm sụt giảm với nhu cầu các loại hàng hoá của Việt Nam như nông sản, thủy sản, cao su, gỗ…
Nguyên vật liệu xây dựng: Sự dư thừa công suất và tồn kho ở mức cao do thị trường bất động sản đóng băng sẽ làm nguyên vật liệu xây dựng Trung Quốc tràn lan trên thị trường với giá rẻ, cộng hưởng với việc các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đang có xu hướng áp thuế nhập khẩu, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước là rất lớn.