“Hụt hơi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index một lần nữa “hụt hơi” trước ngưỡng 1.300 điểm do động thái chốt lời khi có một số thông tin ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chỉ số có thể cần tích lũy thêm trước khi bứt phá.
“Hụt hơi”

Tuần giao dịch từ ngày 30/9 đến 4/10/2024 chứng kiến những nỗ lực của dòng tiền khi liên tục công phá vùng cản tâm lý 1.300 điểm, nhưng sau đó không được đền đáp xứng đáng. Thị trường “hụt hơi” vào 2 phiên cuối tuần do áp lực cung ở vùng cản quá lớn, khiến chỉ số dừng chân ở ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm.

Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, nếu như tuần trước đó, khối ngoại mua ròng 2.000 tỷ đồng thì tuần qua giảm xuống 450 tỷ đồng. Điều này phần nào thể hiện dòng vốn ngoại có phần e dè khi VN-Index gặp vùng cản 1.300 điểm nhiều lần kể từ đầu năm đến nay mà chưa có dấu hiệu bứt phá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy sự suy giảm sức mạnh khi đa số mã tăng khá tốt ở 2 tuần trước đó. Nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hợp lý nên tâm lý chốt lời xuất hiện là khó tránh khỏi.

Kỳ vọng VN-Index sẽ quay lại đà tăng nhờ sự phục hồi của các nhóm ngành đủ sức dẫn dắt như bất động sản hoặc ngân hàng.

Đáng chú ý, trong tuần qua, nhà đầu tư trên toàn cầu trở nên bất an trước căng thẳng gia tăng tại Trung Đông. Sự kiện này gây áp lực lớn lên các thị trường chứng khoán châu Á và toàn cầu, với các chỉ số như Nikkei 225, Kospi và S&P 500 đồng loạt giảm mạnh. Đồng thời, giá dầu tăng lên mức 78 USD/thùng do lo ngại nguồn cung từ Trung Đông có thể bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 giảm xuống 47,3 điểm, do ảnh hưởng từ cơn bão Yagi. Tình trạng mưa lớn và lũ lụt khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, làm giảm sản lượng và đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm tới khi tâm lý kinh doanh được cải thiện.

Một trong những yếu tố tích cực là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã công bố các biện pháp kích cầu mới nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. PBoC yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất thế chấp và hỗ trợ các khoản vay bất động sản đến năm 2026. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được hưởng lợi gián tiếp như ngành thép, bất động sản, hóa chất…

Nhìn chung, trong tuần qua, VN-Index nỗ lực tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Nhưng giống như những lần trước đó, việc không có nhóm dẫn dắt mạnh mẽ và thiếu sự đồng thuận từ các nhóm ngành khiến điểm số không thể bứt phá. Với dòng tiền suy yếu và có dấu hiệu rút dần khỏi những nhóm ngành lớn, thị trường có thể cần tích lũy quanh vùng 1.260 - 1.270 điểm trước khi quay lại đà tăng nhờ sự phục hồi của các nhóm ngành đủ sức dẫn dắt như bất động sản hoặc ngân hàng.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục