Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có phiếu nào trong danh mục khuyến nghị của các công ty chứng khoán ngược dòng thị trường chung thành công. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu SZC và cổ phiếu PDR

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SZC với giá trị hợp lý năm 2025 là 44.500 đồng/CP (Upside +19% so với giá đóng cửa ngày 26/09/2024) với WACC = 11%, P/B mục tiêu = 1.5x.

Đồng thời, chúng tôi nâng khuyến nghị từ theo dõi lên mua đối với cổ phiếu PDR sau khi cổ phiếu trải qua đợt điều chỉnh mạnh 43% từ đỉnh tháng 4/2024. Triển vọng kinh doanh sắp tới bắt đầu chuyển biến tích cực khi kỳ vọng doanh nghiệp có thể mở bán 2 dự án trọng điểm trong vòng một năm tới bao gồm Khu đô thị Bắc Hà Thanh trong quý IV/2024 và Bình Dương Tower trong nửa đầu năm 1H2025.

Trái với nhận định của BSC, cổ phiếu SZC đã có một tuần thiếu tích cực trong bối cảnh thị trường chung liên tục mất điểm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đã có những phiên liên tiếp giảm khá mạnh bởi áp lực bán ra. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SZC giảm 1.200 đồng (-3,22%) từ mức 37.300 đồng/CP xuống 36.100 đồng/CP.

Cũng trong xu hướng điều chỉnh, cổ phiếu bất động sản khác là PDR giảm sâu bởi áp lực bán mạnh, đặc biệt là phiên 2/10 giảm gần 6%. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PDR giảm 2.000 đồng (-8,77%) từ mức 22.800 đồng/CP xuống 20.800 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEG

Do chi phí của GEG chủ yếu đến từ khấu hao nhà máy và chi phí lãi vay, việc đưa vào vận hành ổn định nhà máy Tân Phú Đông với giá bán cao hơn sẽ giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời đưa đòn bẩy tài chính về mức lành mạnh. Sử dụng phương pháp SOTP, GEG được kỳ vọng giá mục tiêu 16.200 đồng/cổ phiếu, upside 40.3%, tương đương với mức P/B 1.02x, thấp hơn 37% so với trung bình 5Y, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Cổ phiếu GEG đã có tuần giao dịch lình xình quanh vùng đáy của năm khi hơn 17 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 chuẩn bị được giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 10/10 tới đây. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu GEG giảm nhẹ 100 đồng (-0,87%) từ mức 11.550 đồng/CP xuống 11.450 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực và VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HAH

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM: Trong ngắn và trung hạn, cổ phiếu HAH sẽ tích cực nhờ hưởng lợi gián tiếp từ giá cước vận tải container ở mức cao; và sản lượng khai thác tăng trong nửa cuối năm 2024 nhờ vào mở rộng đội tàu trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng.

Bên cạnh đó, VCBS cho rằng, triển vọng tích cực với kỳ vọng giá cước vận tải container tích cực cho nửa cuối năm 2024 và 2025 khi khủng hoảng biển Đỏ vẫn kéo dài và việc đầu tư mua 4 tàu mới hiệu quả hơn so với giai đoạn đầu tư tàu vào 2022. Do đó, VCBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HAH với giá hợp lý là 48.259 đồng/CP.

Dù HĐQT Công ty vừa thông qua việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tăng gấp rưỡi, lên 450 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu HAH không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh giảm cùng thị trường chung. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu HAH giảm 1.050 đồng (-2,55%) từ mức 41.100 đồng/CP xuống 40.050 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi tăng 19% giá tiêu nhưng đưa ra khuyến nghị khả quan đối với MWG. Chúng tôi tăng giá mục tiêu do tăng 27% giá đối với Bách hóa Xanh và tăng 13% giá đối với Thế giới di động và Điện máy Xanh. Đối với Bách hóa Xanh, chúng tôi tăng 25% dự án tổng thu nhập giai đoạn 2024-2032 do doanh số/cửa hàng và hiệu quả hoạt động cải thiện tốt hơn dự kiến ​​trong nửa đầu năm 2024.

Cổ phiếu MWG tiếp tục có thêm tuần giảm sau khi Chủ tịch HĐQT Công ty đã hoàn tất đợt bán ra 1 triệu cổ phiếu. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MWG giảm 1.100 đồng (-1,63%) từ mức 67.500 đồng/CP xuống 66.400 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua và SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGC

VCBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 132.500 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 11.5x và EV/EBITDA đạt 7x. DGC đang được giao dịch với mức giá hấp dẫn so với trung bình lịch sử với những kỳ vọng của thị trường về khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, SSI cũng đã nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu DGC từ trung lập lên khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 137.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 18,6%) do chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của DGC sẽ tăng tích cực trở lại từ nửa cuối năm 2024 (tăng 23% so với cùng kỳ) sau 7 quý giảm liên tiếp.

Trái với nhận định của các công ty chứng khoán, cổ phiếu DGC không nằm ngoài xu hướng thị trường chung và tiếp tục có tuần điều chỉnh giảm thứ 2 liên tiếp. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DGC giảm 1.500 đồng (-1,3%) từ mức 115.000 đồng/CP xuống 113.500 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu VEA

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường và giữ giá mục tiêu của chúng tôi không đổi đối với VEA. Chúng tôi giảm 1% dự án lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi.

Cổ phiếu VEA tuần qua cũng trong xu hướng điều chỉnh chung. Theo đó, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm nhẹ, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VEA giảm 900 đồng (-2,04%) từ mức 44.200 đồng/CP xuống 43.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu FPT

Kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng 20% so với cùng kỳ 2023, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. FPT đang giao dịch P/Ef 2024 ở mức 24,8x, cao hơn bình quân 5 năm trước. Giá cổ phiếu đã tăng hơn 60% từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá FPT vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn với định hướng phát triển AI – chất bán dẫn – phần mềm ô-tô. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu hướng đến trong năm 2025 quanh vùng 150.000 - 160.000 đồng/CP.

Cổ phiếu FPT tiếp tục có thêm tuần giao dịch giằng co nhẹ trong bối cảnh thị trường chung thiếu thuận lợi. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu FPT giảm nhẹ 100 đồng (-0,07%) từ mức 134.200 đồng/CP xuống 134.100 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu FRT

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu FRT với giá mục tiêu 180.737 đồng/cp, dựa trên triển vọng tích cực của Long Châu nhưng nhu cầu mua sắm ICT vẫn chưa hồi phục.

Cùng xu hướng với diễn biến cổ phiếu FPT, mã FRT đã có rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu FRT giảm 1.000 đồng (-0,56%) từ mức 178.000 đồng/CP xuống 177.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PLX

Sử dụng 2 phương pháp định giá FCFF và P/E với tỷ trọng 50% mỗi phương pháp, BVSC xác định giá mục tiêu hợp lý cho cổ phiếu của PLX là 57.607 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tiềm năng tăng giá 28,2%.

Chúng tôi đánh giá PLX có thể gặp phải rủi ro giảm giá dầu thô. Chúng tôi đã phản ánh rủi ro này vào mô hình định giá bằng cách hạ tỷ suất biên lợi nhuận gộp của PLX trong nửa cuối năm 2024 do chúng tôi cho rằng PLX sẽ chịu áp lực trích lập dự phòng hàng tồn kho khi giá dầu suy giảm. Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ diễn biến đi ngang so với vùng hiện tại (khoảng 70–75 USD/thùng).

Mặc dù PLX đã đảo chiều hồi phục thành công nhưng với diễn biến thiếu thuận lợi của thị trường chung khiến cổ phiếu này không tiến quá xa. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu PLX tăng 150 đồng (-0,33%) từ mức 44.950 đồng/CP lên 45.100 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NKG

Kỳ vọng kết quả kinh doanh của NKG sẽ tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm. Đồng thời, NKG sẽ hưởng lợi từ biện pháp chống bán phá giá nếu vụ việc AD19 được áp dụng và hưởng lợi từ biện pháp hỗ trợ thị trường Bất động sản tại Trung Quốc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.

Không được như kỳ vọng của AGR, sau tuần hồi phục nhẹ vào cuối tháng 9, cổ phiếu NKG gần như đi ngang trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NKG giảm 150 đồng (-0,69%) từ mức 21.850 đồng/CP xuống 21.700 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục