"RU TA NGẬM NGÙI" - ca khúc tái hiện lại hình ảnh ở quán Văn, nơi Khánh Ly bắt đầu hát nhạc Trịnh, nơi khởi tạo nên cho âm nhạc Việt Nam hai cái tên, gắn với nhau như định mệnh: Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn mất vào ngày Cá tháng Tư (1/4), còn sinh nhật của ông trước đó 1 tháng 3 ngày. Một điều thú vị là vào ngày 28/2 vừa qua, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhạc sĩ tài hoa này, Google – trang tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới đã vinh danh ông trên trang chủ Google.com.vn.
Trên Google Doodles là hình ảnh Trịnh Công Sơn bên cây đàn ghi ta. Đây là lần đầu tiên Google Doodles tôn vinh một người Việt Nam. Hành động này của Google cũng tạo ra sự ngạc nhiên và thích thú với nhiều người.
Google vinh danh nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh trong ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông. Ảnh: Internet.
Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại.
Lại quay về với "Ru ta ngậm ngùi". Từng nghe không biết bao nhiêu ca khúc của Trịnh do Khánh Ly trình bày, nhưng không hiểu sao, "Ru ta ngậm ngùi" mà Khánh Ly hát năm 1968 ở quán Văn vẫn ám ảnh tôi nhất.
Ngày ấy, ca khúc này được Khánh Ly hát khi còn trẻ, chất giọng sáng, ngây thơ, có gì đó hồn nhiên, trong trẻo vang lên trên nền ghi ta thùng thật mộc. Và không ít lần, tôi đã thu mình vào một góc phòng, bật bản nhạc này lên và thưởng thức để rồi thấy thật mùi mẫn.
Nhạc Trịnh đặc biệt thích hợp với cây ghi ta bởi chất tự sự. Dường như, với ghi ta, nhạc của Trịnh dễ chạm vào các sợi nơron cảm xúc người nghe hơn. Kể cả khi được hát hay chỉ giản đơn là một bản độc tấu.
Trịnh có nhiều ca khúc nổi tiếng và thậm chí có lẽ, thật khó để kiếm được một người không biết hay từng nghêu ngao dăm ba câu hát của ông. Ảnh: Internet.
Nhạc Trịnh luôn gieo vào lòng người nghe những cung bậc cảm xúc rất riêng. Nhưng trong các nét nhạc, tôi đặc biệt thích cái vẻ đượm buồn man mác, như một triết gia từng viết: "Vẻ đẹp u buồn là vẻ đẹp lay động lòng người nhất". Nhạc của Trịnh hay ở những tình ca như thế.
Nhạc Trịnh không ít bài vui, nhưng bởi tính triết lý in hằn rõ nét trong nhiều tác phẩm, nên nhiều người nghe và hát nhạc của ông như để chiêm nghiệm lại mình. Đôi khi, nó lại gợi trong lòng người nghe không ít nỗi đau rất thật, rất con người, nhất là với ai từng trải qua những cuộc tình dang dở…
“Từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa….” (Tình xa – Trịnh Công Sơn).