Rốt ráo lọc “sạn” trong công bố thông tin công ty đại chúng

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 270 quyết định xử phạt đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành. Cơ quan quản lý đang mạnh tay siết chặt kỷ luật, kỷ cương thị trường.

“Nhiễu nhương” công bố thông tin

Hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng đã được Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) ký kết với nhà đầu tư gần 2 năm qua. Thông tin chào mời xuất hiện trên một số website, phương tiện truyền thông từ ngày 1/1/2020 đến ngày 27/10/2021, nhưng đến cuối tháng 11/2021, giới đầu tư mới “vỡ lẽ” rằng, VsetGroup chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Điều đáng lo hơn trong câu chuyện của VsetGroup, khoản tiền thu từ chào bán trái phiếu được các cá nhân rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán. Công ty này không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu, cũng không hạch toán trên báo cáo tài chính tại thời điểm cuối năm 2020 hay tới ngày 30/6/2021. UBCKNN đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để xử lý vụ việc.

Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan điều tra phải vào cuộc đối những sai phạm xuất phát từ sự thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán. Hơn 5 năm trước, vào tháng 6/2016, việc cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng “lên sàn” UPCoM đã gây sốc giới nhà đầu tư. Một doanh nghiệp có trụ sở là quán ăn, nội dung trên bản công bố thông tin và website “nhặt” từ một công ty khác, thậm chí, tăng vốn ảo, hạch toán doanh thu lợi nhuận ảo vẫn “lọt” lên sàn. Nguyên Chủ tịch HĐQT công ty này đã lĩnh mức án chung thân…

Giữ kỷ luật, kỷ cương

Không nghiêm trọng đến mức cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra, nhưng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán những tháng gần đây liên tiếp được ban hành với mức án từ vài chục triệu đồng đến cao nhất là 600 triệu đồng như trường hợp phát hành trái phiếu của VsetGroup và một vài doanh nghiệp khác. Một số công ty đại chúng “chây ỳ” lên sàn chịu mức phạt đến 450 triệu đồng.

Tính đến giữa tháng 12/2021, đã có hơn 270 quyết định xử phạt của UBCKNN ban hành, cao hơn 26,5% so với cả năm 2020. Sai phạm chủ yếu do không đăng ký báo cáo giao dịch khi là người nội bộ của công ty, cổ đông lớn hoặc các giao dịch để trở thành cổ đông lớn/không còn là cổ đông lớn.

Công ty đại chúng là doanh nghiệp đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng hay tổ chức có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng và tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Trở thành một công ty đại chúng, một mặt doanh nghiệp có cơ hội lên sàn, có thể bổ sung thêm nguồn vốn qua các hoạt động phát hành. Nhưng mặt khác, quy định riêng về công bố thông tin cần được thực thi khi doanh nghiệp đã lựa chọn bước vào sân chơi này, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Khung phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng được nâng lên. Mức phạt tiền tối đa trước đây với một tổ chức là 2 tỷ đồng và với cá nhân là 1 tỷ đồng, thì nay đã tăng gấp rưỡi. Riêng vi phạm về giao dịch nội gián và thao túng thị trường không có mức tối đa, mà dựa trên giá trị khoản thu trái pháp luật. Thậm chí, quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP hiện hành đang tiếp tục được lấy ý kiến sửa đổi theo hướng bổ sung hành vi vi phạm, chi tiết các chế tài.

Quy định ngày càng có tính răn đe hơn và sát sao hơn, nhưng thực tế vẫn có độ trễ lớn giữa thời gian vi phạm và thời gian xử phạt. Các vi phạm về công bố giao dịch thường diễn ra từ nửa năm trước hoặc xa hơn. Nhiều công ty đại chúng đã bỏ bê công bố báo cáo tài chính từ năm 2016 đến nay mới chịu án phạt.

Một trong các giải pháp đưa thị trường phát triển bền vững được Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề cập trong buổi ra mắt chính thức Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hồi giữa tháng 12/2021 là công tác quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật. Gạt bỏ các hạt sạn, giữ được kỷ luật, kỷ cương của thị trường mới có thể đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch - nền tảng trong phương châm hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng là bảo vệ niềm tin đối với thị trường.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục