Cụ thể, Wei Yu Engineering đề xuất xây dựng các cầu cảng tại Vũng Áng và khu hậu cảng; phát triển tổng hợp ngành nuôi trồng như chăn nuôi lợn, gà, sản xuất rau quả, chia thành 16 khu khác nhau. Doanh nghiệp cũng muốn xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, bột mì, chế biến dầu ăn, chế biến thịt, đông lạnh thực phẩm…
Đồng thời, phía công ty dự định xây nhà điều hành và ký túc xá cho các chuyên gia, kỹ sư với diện tích 80ha trong tổng diện tích đề xuất sử dụng là 1.000ha.
Về chủ trương, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết ủng hộ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và đánh giá cao quy mô, tính đồng bộ của 2 dự án này. Tỉnh đã yêu cầu phía Wei Yu Engineering thực hiện báo cáo nội dung về mục tiêu, quy mô, năng lực tài chính và phương án thực hiện của các dự án cũng như đánh giá tiềm năng, hiệu quả kinh tế từ việc liên kết của các dự án và sự cần thiết phải đầu tư.
Theo đó, địa phương đồng ý cho phía công ty này lập khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng các cầu cảng tại cảng Vũng Áng và phát triển tổng hợp ngành nuôi trồng, trình cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Hà Tĩnh xác định đây là dự án có quy mô lớn, tổng hợp nhiều ngành, sử dụng công nghệ cao, mang tính liên kết, thu hút nhiều lao động, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng cho biết cảng Vũng áng được quy hoạch xây dựng 11 cầu cảng, hiện đã có 6 cầu được đầu tư xây dựng còn lại 5 cầu cảng số 7, 8, 9, 10, 11 chưa có nhà đầu tư. Công ty Wei Yu Engineering xin đầu tư nốt 5 cầu cảng còn lại là phù hợp với quy định. Đồng thời, với dự án phát triển nuôi trồng đã được phê duyệt.
Dù băn khoăn với nhu cầu sử dụng đất quá lớn của phía nhà đầu tư Đài Loan, song Hà Tĩnh cho biết vẫn có thể đảm bảo đáp ứng. Cụ thể, phía Wei Yu Engineering đề xuất khu hậu cảng lên tới 96,8ha trong khi quỹ đất hiện chỉ còn 50ha. Các khu nuôi trồng nhà đầu tư đề xuất 800 ha, theo quy hoạch tỉnh diện tích chăn nuôi là 6.000ha hiện chỉ còn 1.000ha nuôi lợn, nhưng lại phân bố rải rác trong khu dân cư, các điểm chăn nuôi có diện tích nhỏ lẻ dưới 50ha.
Hà Tĩnh có thể đáp ứng 80ha để đặt các nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Vinh và nhà điều hành, ký túc xá chuyên gia.
Về công nghệ, nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm đất, đảm bảo môi trường của Việt Nam và quốc tế, song Sở kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho biết báo cáo của doanh nghiệp chưa nêu rõ các biện pháp xử lý môi trường. Ngoài ra, địa phương cũng khá cẩn trọng khi yêu cầu nhà đầu tư đề xuất cụ thể giai đoạn I của dự án để đánh giá hiệu quả, từ đó triển khai giai đoạn tiếp theo.
Những năm gần đây, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) là điểm đến được nhà đầu tư Đài Loan ưa thích. Từ năm 2012, Tập đoàn Formosa cũng đầu tư mạnh vào sản xuất thép tại đây với tổng vốn dự kiến 28,5 tỷ USD, hiện sắp hoàn thành giai đoạn I, giải ngân 10,5 tỷ USD. Tuy vậy, bản thân dự án này cũng đang gây tranh cãi sau nhiều vụ việc trong những năm qua gây ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, môi trường...