“Chúa tể của những chiếc vỏ” là cụm từ được nhiều nhà đầu tư dùng để mô tả nhóm cổ phiếu họ Louis sau giai đoạn tăng sốc, giảm sâu đi kèm với loạt động thái thoái vốn của nhân vật “mới nổi” trên thị trường chứng khoán - ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holding.
Trước đó, nhóm cổ phiếu này được ví von với “bàn tay Midas”. Trong thần thoại Hy Lạp, có một vị vua tên là Midas, bàn tay ông chạm vào đâu, tất thảy lập tức biến thành vàng. Trên thị trường chứng khoán, có một giai đoạn, bất kỳ mã cổ phiếu nào Louis Holdings “chạm tới” cũng tăng giá rất mạnh.
Từ các cổ phiếu “trà đá” như TGG, BII, hay AGM, TDH, SMT, VKC, APG, DDV… đều tăng cả chục lần, ngay cả cổ phiếu của doanh nghiệp tưởng chừng bên bờ vực thẳm như TDH cũng có chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp khi có sự xuất hiện của công ty này.
Đà tăng trần đồng loạt khiến “nhóm Louis” nóng hơn bao giờ hết. Cao điểm, mỗi khi có cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng trần, nhà đầu tư lại đổ xô đi tìm hiểu xem có mối liên hệ gì với nhóm Louis hay không.
Ông Đỗ Thành Nhân - nhân vật trung tâm trong câu chuyện M&A và tăng giá của các cổ phiếu “họ Louis” là tên tuổi mới nổi trên thị trường chứng khoán hiếm gặp. Hiếm gặp ở điểm, dù đứng vai Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings, Chủ tịch Hội đồng quản trị AGM và thành viên Hội đồng quản trị/cổ đông lớn ở một số công ty thành viên, song ông này lại thường xuyên đăng đàn trên trang facebook cá nhân để nói về “mục tiêu giá cổ phiếu họ Louis” và thành lập cộng đồng Louis Family thu hút hơn 13.000 thành viên tham gia bàn luận sôi nổi về nhóm cổ phiếu này.
“Hôm nay, ĐHCĐ BII, đặt lệnh hôm nay - lưu lại ngày mai. Ngày này năm sau để Facebook nhắc lại… ngày BII bắt đầu từ đáy. 30/8/2021. Đáy 15.100” là một trong số các dòng nội dung được ông Nhân đăng tải vào chiều 30/8, sau khi kết thúc phiên giao dịch. Đồng thời, ông cũng đăng hình ảnh chụp màn hình về kết quả khớp lệnh 4 giao dịch mua cổ phiếu BII .
Đầu tháng 9, ông Nhân chia sẻ về triển vọng giá cổ phiếu thuộc nhóm “Louis”: “Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng”.
Vốn đã tăng nóng trước đó, sau các phát ngôn của Chủ tịch Công ty, diễn biến nhóm cổ phiếu họ Louis tiếp tục “tăng không thấy đỉnh”, khiến nhà đầu tư sớm cầm cổ phiếu sung sướng, gia tăng mua thêm, nhiều nhà đầu tư đứng ngoài cũng bị kích thích, sốt ruột nhảy vào. Thậm chí, để ôm mộng "ăn bằng lần", không ít nhà đầu tư còn săn lùng những doanh nghiệp có thể là mục tiêu của "họ Louis".
Group riêng tư Louis Family được thành lập, các thông tin về cổ phiếu thành viên được bàn luận sôi nổi, về niềm tin vào doanh nghiệp mà Chủ tịch đang đầu tư vào. Có tài khoản “Dư Hoa” bày tỏ sự ủng hộ và cho biết, toàn bộ tài sản đều đã đầu tư vào TGG, BII, APG, DDV… với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp và mong nhận được trái ngọt.
Khi nhóm cổ phiếu quay đầu, lao dốc liên tục, mỗi phiên vài chục triệu cổ phiếu dư bán sàn, nhiều nhà đầu tư hoảng hốt “trở tay không kịp, đang lãi chuyển thành âm vốn, bế tắc kinh khủng”.
Rồi thì Chủ tịch của Louis Holdings đăng tâm thư chia sẻ và quyết định đóng cửa group trên mạng xã hội, và tới nay, ông Nhân có thêm hàng loạt động thái thoái toàn bộ vốn tại TGG, nộp đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị.
Nguyên nhân từ nhiệm được ông Nhân đưa ra là do bận công việc cá nhân nên không thể thu xếp thời gian để tham gia công việc tại Công ty.
Sự hấp dẫn của cổ phiếu “ăn bằng lần” luôn tồn tại trên thị trường chứng khoán. |
Trong suốt quá trình tăng giá mạnh mẽ đó, nhà đầu tư nhận được không ít cảnh báo từ giới chuyên gia chứng khoán và báo chí, truyền thông về thực trạng kinh doanh bết bát của các doanh nghiệp họ Louis, thậm chí chỉ còn cái vỏ như TGG, BII…, kể cả kỳ vọng “thay đổi diện mạo” sau tái cấu trúc thì cũng cần rất nhiều thời gian và nguồn lực tài chính, con người, nhưng nhiều nhà đầu tư đã phớt lờ, họ chỉ tin vào Chủ tịch và các chia sẻ về đà tăng giá cổ phiếu.
Sự nổi lên của nhóm cổ phiếu Louis như một hiện tượng của thị trường đã hút mạnh dòng tiền tham lam, đẩy trạng thái FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) lên cực đại. Cổ phiếu càng tăng trần liên tục thì tính găm hàng càng cao. Rõ ràng, với đà tăng của nhóm này, nhà đầu tư có không ít cơ hội để hiện thực hoá lợi nhuận. Hậu quả nặng nề chỉ đến với người đến sau, cầm cục than hồng quá lớn.
Gần đây, thông tin liên quan đến “A7” được lan truyền khắp các diễn đàn, đội nhóm đầu tư - tên gọi quen thuộc trên thị trường chứng khoán của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần L14. Các group, nhóm chat, room - gắn mác “A7” rất nhiều. Các cổ phiếu mà “nhóm A7” tham gia/nhắc đến đều tăng dựng đứng, vượt mọi định giá trước đó của các chuyên gia phân tích, như DIG, L14, DRH, NHA, KSB, CEO, HDC…
Trong một room “Cổ đất - phân tích đầu tư cùng A7”, nhấn mạnh, “A7 không lập page facebook. A7 không phím bất kỳ mã nào và thầy chỉ chia sẻ phân tích doanh nghiệp, anh em thấy ok thì đầu tư, A7 có trong room này”. Dĩ nhiên, nhà đầu tư bên ngoài không thể phân biệt đâu là room thật, đâu là room mạo danh.
Trên thị trường chứng khoán, còn rất nhiều room phím hàng, trao đổi thông tin được lập ra thu hút hàng nghìn thành viên, do giới hạn của Zalo là 1.000 người, nên một nhóm admin lập ra cả chục room khác nhau là bình thường.
Điển hình như nhóm room “K*C” với khoảng 20 room, thu hút hơn 18.000 thành viên tham gia. Với phương pháp đầu tư được admin liên tục nhắn trong room là “nắm giữ đường dài, không có gì phải lo lắng với biến động ngắn hạn”.
Thực tế thì nhiều cổ phiếu của room này “phím” cũng tăng mạnh, điển hình là VEF - được lấy ra làm ví dụ minh hoạ liên tục trong room, hay vài cổ phiếu đang có đà tăng gần đây là CLX, PVD…, một số cổ phiếu đang tạm giảm, hoặc đứng yên như GHC, GEG, hay có sự điều chỉnh nhẹ như MDF…
Việc có thể tác động để hàng chục ngàn thành viên đồng lòng giao dịch cổ phiếu - là “quyền lực” của các môi giới ngàn tỷ đồng, hoàn toàn có thể “kiểm soát” phần nào giá cổ phiếu theo ý họ, với mục đích riêng, chẳng hạn room hô mua, tài khoản thì đặt lệnh bán.
Mới đây, admin của 20 room K*C đưa ra thông báo ngừng mua một số cổ phiếu nhóm phân đạm, với lý do là nhóm không mua đủ lượng hàng cần thiết. Đặc biệt, admin này thẳng thắn chia sẻ chủ động có cơ chế gom, đè… “do nhóm phân đã mất điểm mua tốt nhất mà tôi kỳ vọng, nên cộng đồng K*C chúng ta sẽ phải chuyển sang nhóm cổ phiếu khác...
Để tất cả cùng win - win thì tôi sẽ có thiết lập cơ chế gom, đè, mong rằng anh chị em không FOMO như các chiến dịch gần đây, mua tích lũy để tránh việc bung giá qua vùng mua gom, chỉ có như thế chart (đồ thị giá) mới đúng theo lộ trình kỹ thuật, tạo ra những kiệt tác cho những anh chị em cùng hưởng thành quả”.
Đặc điểm ở nhiều cổ phiếu nhóm này “phím hàng” là chưa được thị trường chú ý, thanh khoản thường dưới 200.000 đơn vị/phiên. Với đặc tính này, khi các thành viên đồng loạt bấm lệnh mua, chắn chắn giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ tăng mạnh, bởi lực cầu tăng lên đột biến.
Không chỉ phím hàng là cổ phiếu, admin “chuỗi room” này còn bán khoá học, tư vấn đầu tư bất động sản, coin và không quên nhắc nhở thành viên mỗi ngày về việc “share” (chia sẻ) cho thêm nhiều người biết đến và tham gia cộng đồng ngày càng đông đảo hơn.
Cũng thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, các room phím hàng của một nhà đầu tư lớn tuổi U5x (chia thành nhiều room, mỗi room 800 - 1.000 thành viên), có nhiều kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, có kiến thức nền tảng về tài chính, chứng khoán cũng đã hỗ trợ nhiều nhà đầu tư đạt tỷ lệ sinh lời tốt từ năm 2020 đến nay.
Hầu như các cổ phiếu được phím đều có đà tăng nhanh, mạnh, tăng bằng lần, nên uy tín của admin ngày được nâng cao. Nhằm có những đánh giá cung - cầu, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi (freefloat), admin nhóm có các khảo sát số lượng cổ phiếu nắm giữ, như SJF, IDI… Mỗi room sẽ được khuyến nghị các mã không hoàn toàn trùng khớp nhau.
Việc đánh giá lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường là động thái quen thuộc của nhiều nhà đầu tư kỳ cựu, đo đếm khối lượng giúp họ phần nào tính toán được lực cung - cầu trong thời gian tới, từ đó ước chừng được thị giá cổ phiếu sẽ bị tác động ra sao từ yếu tố này để có chiến thuật giao dịch phù hợp.
Nửa đầu tháng 11/2021, một room trong chuỗi room trên hô mua cổ phiếu TNI, vốn đã có 3 - 4 phiên trần trước đó. Dĩ nhiên, giá cổ phiếu, ngoài môi trường vĩ mô ổn định (tiền đề chung cho cả thị trường chứng khoán bền vững) thì phụ thuộc vào hai yếu tố chính là tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cung - cầu cổ phiếu trên thị trường.
Với việc dòng tiền nhà đầu tư mới mạnh mẽ, số lượng nhà đầu tư “bám đuôi” room phím hàng ngày một đông, thì giá cổ phiếu tăng trong ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, nhiều cổ phiếu thuộc doanh nghiệp thua lỗ triền miên vẫn tăng hàng chục, hàng trăm phần trăm.
Quay lại với TNI, giá cổ phiếu trong nửa đầu tháng 11 đã tăng gần 37%, thanh khoản hơn 4,68 triệu đơn vị/phiên, còn nếu tính từ đầu tháng 10 đến 16/11, cổ phiếu này đã tăng 98,54%, lên 8.140 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNI chia sẻ với truyền thông rằng, giá cổ phiếu TNI đang diễn biến bất thường, do nội tại doanh nghiệp vẫn gặp muôn vàn khó khăn.
Diễn biến tăng giảm bất thường của cổ phiếu TNI từng diễn ra năm 2020, ông Cường nhắc lại giai đoạn đó có nhiều nhà đầu tư đi theo con sóng chung của thị trường, mua bán theo sự hô hào trên các diễn đàn… và khi cổ phiếu giảm thì quay lại chất vấn, phàn nàn với lãnh đạo doanh nghiệp.
Một nhân sự giữ vai trò quản lý của một quỹ đầu tư quy mô dưới 100 triệu USD đã thu hút hơn 17.000 thành viên tham gia room trên Telegram, bên cạnh chia sẻ các thông tin thị trường, cơ hội đầu tư, còn trao đổi thêm về các kiến thức trong đầu tư chứng khoán - cũng đang nhận được sự ủng hộ tốt.
Nhiều cổ phiếu được thảo luận với nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản chưa cao (nhiều lý do như cổ phiếu bị lãng quên, cổ đông hiện hữu gắn bó không bán…) được nhà đầu tư cá nhân mua mạnh khiến giá cổ phiếu tăng nhanh chóng.
Chính lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường quá đông và lượng tiền tươi chưa bao giờ lớn như vậy, nên chỉ cần cổ phiếu có câu chuyện, được tạo lập dẫn dắt là hoàn toàn có thể tăng giá đột biến. Mượn sức mạnh dòng tiền đám đông để nâng đỡ cổ phiếu trong danh mục của “tay to” là chiến thuật được áp dụng phổ biến trên thị trường. Điểm quan trọng nhất, đây là cuộc chơi win - win, hay là cuộc chơi “up bô” lẫn nhau mà thôi.
Không chỉ có các room dành cho nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, nhiều sếp môi giới, hay cá nhân các môi giới giỏi, chuyên nghiệp cũng có những tệp khách hàng với giá trị tài sản ròng (NAV) cả ngàn tỷ đồng. Sếp môi giới của một công ty chứng khoán cho biết đang quản lý khách hàng VIP, với NAV 700 - 1.000 tỷ đồng.
Với các VIP này, mỗi lần đi lệnh đều hàm chứa “một góc nhìn về xu hướng thị trường, hay xu hướng cổ phiếu cụ thể”. Điển hình như phiên cuối tháng 10, khi thị trường đứng trước áp lực hạ margin, họ đã nhanh chóng bán giá cao và mua lại ngay trong phiên những cổ tốt bị áp lực giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố margin. Lượng tiền tươi cộng với margin của các nhà đầu tư này cũng lên đến vài ngàn tỷ đồng.
Một môi giới chuyên nghiệp chia sẻ, nhóm anh quản lý các tài khoản cá nhân nhưng “tiền to”, tổng NAV các tài khoản này có lãi tính đến tháng 6/2021 là hơn 2.000 tỷ đồng. Anh cho biết, tiếp cận các khách VIP, với đa dạng ngành nghề, có cả lãnh đạo doanh nghiệp, nên thông tin, góc nhìn được chia sẻ rất cô đọng, súc tích và hữu ích.
Trên một diễn đàn thu hút vài chục ngàn thành viên, admin đã đăng tải bài viết về hiện trạng số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục là cơ hội cho nhiều người trục lợi, nhiều người không biết gì về chứng khoán hoặc không hiểu về kỹ thuật chỉ nghe người khác phân tích xong lại phân tích trong nhóm Zalo hay Telegram rồi thu phí lừa những người mới.
“Anh em phải hết sức cảnh giác với các nhóm này, vì mình thử vào nhiều nhóm để kiểm tra trình độ phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản thì thấy khá tệ, toàn phím hàng rác, đưa ra mục tiêu giá trên trời”, admin này cảnh báo.
Việc các room liên tục thu hút thành viên cho thấy nhu cầu tìm kiếm thông tin, tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư rất lớn. Thị trường chứng khoán năm 2020 - 2021 thực sự đang tác động và lan toả mạnh mẽ tới người dân Việt Nam. Và trong một thị trường tăng giá (uptrend), nhà đầu tư cá nhân tranh mua tất cả cổ phiếu không phân biệt tốt xấu, cứ được phím là mua, với một niềm tin đơn giản “cứ mua là thắng”.
Các nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, đây là thời điểm mà tâm lý quyết định dòng tiền. Chính vì tâm lý đa số hiện nay của các nhà đầu tư cá nhân mới “mua là tăng” nên nhiều mã vượt giá trị thật rất nhiều, họ vẫn giao dịch. Bởi thế, thanh khoản thị trường liên tục thiết lập kỷ lục mới.
Việc các room, diễn đàn thu hút càng nhiều thành viên, họ càng có “quyền lực” được nhiều người hưởng ứng. Nếu là cuộc chơi win - win, tận dụng tốt dòng tiền thì không vấn đề gì, thậm chí các nhà đầu tư mới còn có cơ hội tiếp cận những phương pháp đầu tư tốt, các chiến thuật giao dịch tốt của các môi giới giỏi, của nhà đầu tư giỏi khác. Điều này góp phần tạo nên một thị trường chứng khoán bền vững hơn khi kiến thức của nhà đầu tư tốt hơn.
Ngược lại, thực tế trong quá khứ cho thấy, rất nhiều đội nhóm lập ra với mục tiêu “lùa gà” và để lại hậu quả thương đau cho nhiều nhà đầu tư. Đây là điểm mà các nhà đầu tư luôn phải cẩn trọng, “không có bữa trưa nào là miễn phí”.
Nhiều chuyên gia chứng khoán chia sẻ, chứng khoán đang “hưng phấn quá độ”, cổ phiếu vượt giá trị thực, không ít nhà đầu tư hiểu điều đó, nhưng họ sẽ không dừng lại. Lòng tham kích thích họ mua giá cao và cho rằng, mình chưa phải là người cuối cùng cầm “than hồng”. Một tâm lý tự tin, vội quên những đợt điều chỉnh và vẫn đang có thành quả trong một thị trường tăng mạnh như hiện nay, các kinh nghiệm của người đi trước bị thờ ơ.
Trường phái đầu tư nào cũng được, cơ bản cũng ổn, mà đầu cơ, lướt sóng cũng xong, nhưng với mỗi trường phái, nhà đầu tư cần tự hiểu vị thế của mình, tuân thủ nguyên tắc, tuân thủ kỷ luật để giảm thiểu rủi ro.
Một nhà đầu tư có tiếng trên thị trường đã chia sẻ quan điểm về việc “phím hàng” và nhận được nhiều sự ủng hộ.
Theo vị này, “hãy hỏi đường dẫn đến đâu, hãy đo khoảng không cho đôi cánh của mình, hãy thử nền đất cho sức nặng của mình: Mua cổ phiếu nhỏ thì phải xem lượng giao dịch để vào ra, phải xem thống kê xem nó gia tăng hay suy giảm khối lượng. Mua cổ phiếu theo “tay to” thì phải xem “tay to” đó chơi dài hay ngắn. Nếu mình đa phần chơi ngắn, họ chơi dài thì mình kẹp chắc, cũng giống đi theo đường mòn mà chẳng biết đi về đâu, đi mãi tới vũng lầy, không lối thoát…”.
Vị này đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ bước vào thị trường chứng khoán học ai được là học, “nhưng phải học kỹ năng, còn đi theo phím hàng thì sớm muộn cũng lỗ”.
Đầu tư/đầu cơ là một quá trình dài và trải nghiệm vất vả về đầu óc, cảm xúc, chứ không đơn giản là "xin một mã mai tăng trần". Đi theo phím hàng mà không tự nâng cao kiến thức sẽ càng thêm rối, vì không biết kỳ vọng là gì, triết lý đầu tư/đầu cơ ra sao, mức chịu đựng rủi ro như nào...