“Rồng vàng” đang trỗi dậy trên bản đồ tài chính ASEAN

(ĐTCK) Khi Việt Nam vạch ra lộ trình hướng tới một kỷ nguyên thịnh vượng mới, ngành ngân hàng được giao phó vai trò then chốt: cung cấp động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Mặc dù vẫn đang đối mặt với một số thách thức, nhưng ngành ngân hàng Việt Nam có tiềm năng để vươn lên trở thành thế lực mới của khu vực.
Ngành ngân hàng Việt Nam đang chuyển hóa tăng trưởng nhanh thành phát triển bền vững và chất lượng cao

Lạc quan thận trọng

Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang vận hành trong bối cảnh thận trọng, nhưng đầy lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn trong năm 2025 mà Chính phủ đề ra đặt ra yêu cầu lớn đối với hệ thống tài chính. Đáp lại kỳ vọng này, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - một con số nổi bật trong khu vực, phản ánh nhu cầu vốn lớn từ sản xuất, thương mại đang bùng nổ và bất động sản đang hồi phục.

Ông Samir Dixit, Giám đốc Toàn cầu, Acorn Management Consulting Pte. Ltd.

Xu hướng tăng trưởng tín dụng được củng cố bởi các chỉ số lợi nhuận cải thiện, với dự báo tỷ suất sinh lời trên tài sản đạt khoảng 1,55 - 1,60%, nhờ biên lãi ròng được mở rộng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh mẽ này cũng đi kèm với không ít thách thức, chủ yếu xoay quanh lo ngại về chất lượng tài sản, đặc biệt là các khoản tiếp xúc với bất động sản và áp lực thanh khoản tại các tổ chức quy mô nhỏ.

So với các nước ASEAN, Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với quỹ đạo phát triển ấn tượng. Dù quy mô tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt còn khiêm tốn so với Singapore, Indonesia hay Malaysia, nhưng tốc độ tăng trưởng lại vượt trội. Trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam dự kiến đạt 15 - 16%, vượt xa mức 4 - 5% của Malaysia, mức 2 - 3% của Singapore và thậm chí vượt cả mức 10 - 12% của Indonesia.

Trọng tâm của ngành ngân hàng là chuyển từ tăng trưởng tín dụng đơn thuần sang nâng cao chất lượng danh mục cho vay và củng cố khung quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế như Basel III.

Động lực tăng trưởng này được hỗ trợ bởi các cải cách mạnh mẽ về thể chế, tiêu biểu là Nghị định 94/2025/NĐ-CP thiết lập cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), cho thấy cách tiếp cận chủ động với công nghệ này, cùng Nghị định 69/2025/NĐ-CP cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số ngân hàng lên 49%, nhằm thu hút vốn và tri thức từ nước ngoài.

Trong giai đoạn 5 năm tới, ngành ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào thời kỳ tái cấu trúc và hội nhập sâu hơn. Trọng tâm sẽ chuyển từ tăng trưởng tín dụng đơn thuần sang nâng cao chất lượng danh mục cho vay và củng cố khung quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế như Basel III. Đây sẽ là giai đoạn then chốt để chuyển hóa tăng trưởng nhanh thành phát triển bền vững và chất lượng cao.

Đến năm 2030, các ngân hàng Việt Nam sẽ sở hữu bảng cân đối kế toán lớn hơn và có hiện diện sâu rộng hơn trong khu vực, song cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các định chế tài chính tập trung vào công nghệ tại Singapore và Indonesia. Quá trình hài hòa quy định trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục định hình cục diện cạnh tranh này.

Trong thập kỷ tới, nếu đạt được các mục tiêu kinh tế dài hạn, ngành ngân hàng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành thế lực mới của khu vực. Đến năm 2035, một số ngân hàng Việt có tiềm năng trở thành những nhân tố chủ chốt tại Đông Nam Á, nhờ vào thị trường vốn trong nước ngày càng phát triển sâu rộng và thanh khoản cao hơn. Quá trình chuyển đổi này cũng sẽ chứng kiến sự dịch chuyển chính thống sang tài chính bền vững và tín dụng xanh, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với các thách thức không nhỏ của biến đổi khí hậu.

Dự báo, bức tranh tài chính ASEAN trong tương lai sẽ mang tính đa cực: Singapore có thể vẫn giữ vị thế trong quản lý tài sản, nhưng quy mô thị trường nội địa của Indonesia và Việt Nam sẽ giúp các ngân hàng tại đây trở thành những lực lượng lớn. Thành công sau cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng một hệ sinh thái tài chính vững chắc và sáng tạo, đủ sức tài trợ cho phát triển dài hạn mà không rơi vào các rủi ro mang tính hệ thống.

Tìm lời giải cho một tương lai bền vững

Những trụ cột chiến lược như nền tảng vốn ổn định, dự phòng vốn chặt chẽ, tích hợp sâu sắc với Fintech và chiến lược xuyên biên giới thông minh sẽ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng Việt trở thành đối thủ cạnh tranh thực thụ trong khu vực.

Trong khi thách thức cốt lõi hiện nay của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là xử lý nợ xấu - một rủi ro cố hữu trong môi trường tín dụng tăng trưởng nhanh, thì để đảm bảo một tương lai bền vững, Việt Nam cần chủ động khắc phục những điểm yếu then chốt bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, nhất là các nước ASEAN và mô hình quản lý tài chính đặc thù của Singapore.

Việt Nam có thể tham khảo cách Malaysia ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi chính phủ nước này thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia Danaharta để mua lại và tái cơ cấu nợ xấu, qua đó làm sạch bảng cân đối ngân hàng và khôi phục niềm tin thị trường. Một tổ chức tương tự tại Việt Nam, được hậu thuẫn đủ vốn và vận hành minh bạch, có thể thúc đẩy tiến trình xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, tạo điều kiện để các ngân hàng tập trung vào hoạt động tín dụng hiệu quả hơn.

Ngược lại, mô hình của Singapore, dưới sự giám sát của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), lại nhấn mạnh yếu tố phòng ngừa thông qua cơ chế giám sát chặt chẽ, kiểm tra sức chịu đựng định kỳ và hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện và xử lý rủi ro trước khi chúng trở thành hệ thống. Việc chuyển dần sang một văn hóa giám sát chủ động như Singapore sẽ là bước đi chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam bắt buộc xác thực sinh trắc học cho các giao dịch trực tuyến có giá trị lớn, việc xây dựng hạ tầng định danh số an toàn, đồng bộ và liền mạch là điều tất yếu. Tuy là bước tiến tích cực trong bảo mật, cách tiếp cận riêng rẽ của từng ngân hàng lại có thể gây ra sự phân mảnh, thiếu hiệu quả.

Trong khi đó, khu vực ASEAN đang hướng đến các hệ thống định danh số có khả năng tương thích cao giữa các quốc gia. Singapore là hình mẫu tiêu biểu với hệ thống định danh số quốc gia Singpass - một nền tảng bảo mật cao, tích hợp sâu vào cả khu vực công lẫn tư, cho phép người dân truy cập dễ dàng vào dịch vụ của chính phủ cũng như các tổ chức tài chính. Nếu Việt Nam phát triển một hệ thống tương tự ở cấp quốc gia với sự bảo trợ của nhà nước, điều này không chỉ nâng cao an ninh và hạn chế gian lận, mà còn tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, củng cố niềm tin vào nền kinh tế số.

Cuối cùng, việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp là một thử thách lớn đối với Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này phải cân đối giữa việc giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích tăng trưởng và duy trì ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Đây là một “bài toán” quen thuộc với nhiều ngân hàng trung ương ASEAN, vốn thường áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi có điều tiết.

Tuy nhiên, Singapore lại đưa ra một hướng tiếp cận khác biệt mà Việt Nam có thể tham khảo. Thay vì điều chỉnh lãi suất, MAS tập trung điều hành chính sách tiền tệ thông qua kiểm soát tỷ giá hối đoái. Cụ thể, đồng SGD được điều tiết theo một rổ tiền tệ (S\$NEER) với biên độ cho phép tăng hoặc giảm linh hoạt, qua đó kiểm soát lạm phát nhập khẩu và đảm bảo ổn định giá cả. Dù cấu trúc kinh tế của Việt Nam hiện chưa cho phép áp dụng mô hình này một cách toàn diện, nhưng việc sử dụng tỷ giá như một mỏ neo ổn định trong nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại là bài học chiến lược dài hạn quý giá.

Các yếu tố chiến lược cho tăng trưởng bền vững

Ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, từng ngân hàng cần triển khai những chiến lược cụ thể để nâng cao sức chống chịu và tận dụng cơ hội tăng trưởng. Một trong những trụ cột quan trọng là huy động tiền gửi nhằm giảm áp lực thanh khoản và thiết lập nguồn vốn ổn định. Để làm được điều này, ngân hàng phải đi xa hơn hệ thống chi nhánh truyền thống bằng việc tích cực ra mắt sản phẩm tiết kiệm số sáng tạo, chứng chỉ tiền gửi online lãi suất cao và các chương trình khách hàng thân thiết trên di động. Những sáng kiến này sẽ giúp thu hút tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm giá thấp, vốn là nhân tố tác động trực tiếp đến biên lãi ròng.

Song song đó, các ngân hàng cần thiết lập quỹ dự phòng mạnh mẽ để đối phó với những cú sốc từ bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động trích lập vốn dự phòng cao hơn cho các khoản vay bất động sản khi đây là một cách tiếp cận thận trọng có thể làm giảm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng chính là nền tảng cho sự ổn định dài hạn, như các ngân hàng hàng đầu Singapore đang áp dụng.

Để duy trì đà phát triển số, ngân hàng Việt cũng cần tăng cường hợp tác với hệ sinh thái Fintech năng động trong nước. Thay vì tự phát triển rời rạc, họ nên tìm kiếm những liên minh chiến lược nhằm tận dụng khả năng linh hoạt và chuyên môn công nghệ của đối tác. Cụ thể, tích hợp các ví điện tử phổ biến như MoMo và ZaloPay vào nền tảng lõi; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do Fintech phát triển để đánh giá tín dụng tốt hơn, đặc biệt trong mảng cho vay vi mô chưa được phục vụ đầy đủ.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động ra khu vực, ngân hàng cũng cần có chiến lược xuyên biên giới phù hợp. Điều này đòi hỏi thiết lập quan hệ với các định chế tài chính Singapore, nơi có nguồn vốn sâu và kinh nghiệm quản trị tài sản, đồng thời hợp tác với các tổ chức Indonesia để tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất ASEAN, khai thác cơ hội trong tài trợ thương mại và phục vụ nền kinh tế số phát triển nhanh.

Những trụ cột chiến lược như nền tảng vốn ổn định, dự phòng vốn chặt chẽ, tích hợp sâu sắc với Fintech và chiến lược xuyên biên giới thông minh sẽ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng Việt trở thành đối thủ cạnh tranh thực thụ trong khu vực.

Con đường đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều khó khăn

Ngành ngân hàng Việt Nam đang ở thời khắc quyết định. Mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ và chính sách chủ động của Chính phủ đã mở ra giai đoạn bùng nổ năng động. So với không ít quốc gia trong khu vực, quy mô kinh tế Việt Nam vẫn còn nhỏ, nhưng tốc độ chuyển mình đang vượt trội.

Con đường phía trước không hề bằng phẳng: nợ xấu, cần hoàn thiện quản trị doanh nghiệp và những bất ổn vĩ mô toàn cầu vẫn là thách thức lớn.

Tuy nhiên, với tầm nhìn rõ ràng, tư duy đổi mới và quản trị thận trọng, ngành ngân hàng Việt không chỉ tiếp sức cho “phép màu kinh tế” tiếp theo, mà còn có thể trở thành mắt xích quan trọng trong bức tranh tài chính Đông Nam Á. Rồng Việt đang thức giấc và hành trình trong thập kỷ tới sẽ định hình giá trị toàn khu vực.

Samir Dixit

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục