“Rộng đất” cho nhà ở xã hội

(ĐTCK) Có hiệu lực từ ngày 10/1/2014, Nghị định 188/2003/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội được nhiều chủ đầu tư bất động sản cũng như người có nhu cầu về nhà ở mong đợi, bởi có những quy định nới lỏng khả năng tiếp cận và đầu tư nhà ở xã hội.
“Rộng đất” cho nhà ở xã hội

Bắt buộc sử dụng vật liệu trong nước

Tuy nhiên, có quy định khiến các chủ đầu tư thắc mắc là: “Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được sử dụng vật liệu xây dựng và trang thiết bị sản xuất trong nước, không sử dụng sản phẩm nhập khẩu (trừ các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được)”, có thể làm ảnh hưởng đến giá thành của nhà ở xã hội. Bởi nếu công trình được sử dụng các sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, thì giá thành sẽ thấp hơn.

Trao đổi với ĐTCK về quy định này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Sử dụng vật liệu trong nước chắc chắn giá thành sẽ thấp hơn nhiều so với vật liệu nhập khẩu từ các thương hiệu khác trên thế giới.

Còn không thể đem so sánh giá với hàng nhập lậu, hàng trôi nổi không được kiểm định chất lượng, bởi không đảm bảo chất lượng công trình. Hơn nữa, việc tiêu thụ vật liệu trong nước còn có lợi cho các nhà sản xuất, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Chính phủ sẽ làm quyết liệt về vấn đề này”.

“Rộng đất” cho nhà ở xã hội ảnh 1

Người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng thay vì 10 năm như trước

Như vậy, khi đầu tư nhà ở xã hội, các chủ đầu tư sẽ phải tính toán dựa trên giá cả của các loại vật liệu trong nước thay vì có thể “vá víu” một số sản phẩm trôi nổi như trước đây. Điều này cũng sẽ tạo yên tâm cho người sử dụng nhà ở sau này.

 

Tất cả các dự án phải dành 20% quỹ đất

Nghị định quy định, tất cả các dự án phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng đối với dự án dưới 10 héc-ta được lựa chọn chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao nhà (đối với đô thị từ loại 3 trở lên). Đối với đô thị từ loại 4, 5 và khu vực nông thôn thì UBND cấp tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể có thể yêu cầu nộp tiền.

Với quy định này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho rằng: “Tất cả những vướng mắc xung quanh việc dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội đã được giải quyết, DN dễ thực hiện dự án để giải phóng hàng tồn, đồng thời tạo ra quỹ nhà ở xã hội ở nhiều vị trí. Điều này có lợi cho cả Nhà nước và người dân”.

Không chỉ có vậy, Nghị định còn quy định “được dành 20% quỹ đất nhà ở xã hội đầu tư dự án thương mại”. Việc quy định như trên nhằm bù đắp chi phí cho chủ đầu tư kinh doanh bất động sản. Đối với các dự án nhà ở xã hội không bố trí quỹ đất riêng thì chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở để kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, phần kinh doanh thương mại này phải đưa vào hạch toán chung để lợi nhuận định mức là 10 - 15% trên tổng chi phí đầu tư.

 

Mở rộng đối tượng được mua

Các dự án nhà ở xã hội đầu tư ngoài ngân sách sẽ áp dụng với tất cả các đối tượng chưa có nhà, có nhà ở bình quân dưới 8 m2 sàn/người, nhà ở tạm bợ, dột nát, hư hỏng chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức. Điều kiện là phải có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội 1 năm.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ được bán và cho thuê lại sau 10 năm như quy định trước đó, người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng, kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Đồng tình với chủ trương này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TECCO cho biết sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư thêm cho nhà ở xã hội. Nếu DN tính toán giá cả phù hợp sẽ không lo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, trước khi xây nhà ở xã hội, cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân trong khu vực, kể cả công việc chủ yếu họ đang làm, nếu không thì nhà ở xã hội rẻ vẫn ế.

 

Nhà ở xã hội có liền kề

Tín hiệu vui cho nhiều DN là Nghị định 188 có quy định nhà ở xã hội liền kề thấp tầng thì diện tích đất xây dựng không quá 70 m2 và chỉ được áp dụng cho nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với các dự án nhà ở liền kề ở khu vực ngoại ô thành phố, các đô thị có mật độ dân số thấp.

Chẳng hạn, Công ty Bình Dân ở TP. HCM có 76 nền nhà (quận Thủ Đức) được UBND TP. HCM hứa mua làm nhà tái định cư, nhưng đến nay Thành phố trả lời không có tiền để mua. Với quy định trên tại Nghị định 188, Công ty Bình Dân đã có văn bản xin chuyển diện tích đất này sang xây nhà ở xã hội liền kề với giá khoảng 8,8 triệu đồng/m2. Nếu TP. HCM chấp thuận đề xuất của Công ty Bình Dân, trong tương lại sẽ có nhiều DN xin chuyển đổi dự án dạng này. Như vậy, người dân lại có thêm sự lựa chọn cho nơi ở của mình.

>>Khởi công dự án nhà ở xã hội HQC Plaza

>>Nhà ở xã hội ngược xuôi tìm khách

>>“Bão” nhà ở xã hội đổ vào Hà Nội

Trung Kiên
Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục