Thưa ông, sau khi Việt Nam mở room thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến TTCK Việt Nam theo ghi nhận của Dragon Capital có tăng lên không và mức độ như thế nào?
Có thể nói, quyết định nới room của Chính phủ có tác động lớn về tinh thần, làm thay đổi nhận xét của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam rất nhiều so với trước.
Khi chúng tôi ra nước ngoài, hiếm thấy nhà đầu tư nào không nhắc đến Việt Nam, nhưng rõ ràng là nhà đầu tư mở tài khoản, đưa vốn vào, mua các công ty Việt Nam là chưa nhiều. Số vốn ròng vào thị trường từ đầu năm đến nay không thấm tháp gì nếu so với con số cả chục tỷ USD vốn FDI và kiều hối về Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành các quy định mới, nhưng những việc đặt ra thì chưa việc gì xong cả, đều phải làm tiếp.
Những việc cần phải làm tiếp sau quyết định nới room, theo ông là gì?
Nhóm công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp đang chú trọng đến vấn đề pháp lý liên quan đến việc mở room. Trong Luật Đầu tư, có điều khoản quy định doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên 50% được coi là doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này làm thay đổi hẳn bản chất doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể biến động từng ngày. Nhóm công tác đang vận động Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định này, nếu không sẽ cản trở việc nới room. Luật Đầu tư không nên đụng với Luật Chứng khoán.
Lý do thứ hai khiến việc mở room chưa thể thực hiện ngay xuất phát từ chính doanh nghiệp, họ chưa mở vì chưa thấy có nhu cầu. Theo phân tích của chúng tôi, không nhiều công ty có kế hoạch tăng vốn. Năm nay, chỉ thấy một vài ngân hàng, công ty bất động sản có kế hoạch tăng vốn, còn hấu hết doanh nghiệp chưa có kế hoạch triển khai dự án mới cần huy động vốn hoặc nếu có họ có thể vay ngân hàng với lãi suất chấp nhận được vào lúc này.
Nhưng tâm lý này đến lúc nào đó sẽ phải thay đổi vì ngân hàng không thể là kênh cung cấp vốn trung và dài hạn mãi được, các doanh nghiệp sẽ cần huy động vốn đầu tư dài hạn từ thị trường, đặc biệt nhắm đến nhà đầu tư tổ chức, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Sẽ có những doanh nghiệp đi trước trong việc thực hiện nới room xuất phát từ nhu cầu của chính họ.
Họ sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng nếu làm được thì sẽ huy động được vốn, giá trị doanh nghiệp được định giá cao hơn. Các công ty khác khi đó sẽ gặp sức ép từ các cổ đông về thực hiện nới room. Nói chung, sự chuyển động của các doanh nghiệp trong việc thực hiện nới room sẽ do sức ép từ thị trường quyết định.
Sau quyết định nới room, mới đây, Nhà nước cũng đã quyết định thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang là đại diện vốn chủ sở hữu. Đây có phải là hành động cụ thể để Chính phủ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rằng việc cải cách thị trường tài chính, phát triển TTCK nói riêng quyết tâm được thực hiện?
Thoái vốn khỏi những doanh nghiệp lớn là một thông điệp thú vị nói lên nhiều điều, hàm ý rằng TTCK sẽ tăng thanh khoản, hiện thực hóa chủ trương nới room, giảm vốn Nhà nước tại DNNN, tăng quy mô giao dịch của thị trường… Những yếu tố này tạo khả năng để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK, mà trước đây vì những điểm hạn chế này nhà đầu tư nước ngoài muốn nhưng không tham gia được.
Những ai theo dõi về Việt Nam tiếp nhận thông điệp này đều rất mừng, nhưng ai hiểu Việt Nam đều biết rằng, từ công bố một chủ trương đến thực hiện thì thời gian chờ đợi không biết là bao nhiêu.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu Nhà nước đã có chủ trương thoái vốn tức là Nhà nước thấy rằng trong thời gian trước mắt, vốn của Nhà nước ở những doanh nghiệp đó cần thu về. Thu về để có thể sử dụng hiệu quả hơn hoặc ở những mục tiêu khác quan trọng hơn. Vấn đề cần đặt ra là thoái vốn với điều kiện tốt nhất có thể xét trên các yếu tố khối lượng, giá, đối tượng mua lợi ích của doanh nghiệp.
Thoái vốn như thế nào, để làm sao hiệu quả nhất tại thời điểm này liên quan đến quy trình thực hiện, các vấn đề kỹ thuật khi thực hiện. Việt Nam không phải là nước đầu tiên làm việc này, chúng ta có nhiều kinh nghiệm thế giới để tham khảo cũng như sử dụng các nhà tư vấn có chuyên môn như các CTCK trong nước cũng như các ngân hàng đầu tư nước ngoài.
Thưa ông, kể từ sau khi Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP thì trên thị trường xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mới vào Việt Nam, nhất là trên thị trường bất động sản. Chúng ta có thể kỳ vọng một hiệu ứng tương tự trên TTCK trong bối cảnh chung trên thị trường thế giới, dòng vốn có xu hướng rút khỏi thị trường mới nổi?
Thị trường thế giới nói chung diễn biến phức tạp. Kinh tế các nước phát triển phục hồi chậm nên các ngân hàng trung ương đều duy trì lãi suất 0%/năm hoặc âm và có khả năng nâng lên trong thời gian tới, gây bất lợi cho dòng vốn vào các thị trường đang phát triển. Các nước đang phát triển cũng nhiều vấn đề, đến mức người ta đang đặt ra câu hỏi có hay không một tiêu chí chung cho “các nước đang phát triển”.
Việc Nam xét từ góc độ thị trường tài chính chưa được là thị trường mới nổi, mà mới là thị trường cận biên. Nhưng Việt Nam đã trải qua 6 năm rất khó khăn và đang bước vào giai đoạn phục hồi, tốc độ tăng trưởng đang tăng lên trong khi các nước trong khu vực giảm tốc.
Việc tham gia TPP cũng là một điểm thưởng cho Việt Nam và ở cấp vi mô hơn, Chính phủ có chương trình cải cách DNNN quyết liệt hơn, có quyết định cho phép doanh nghiệp nới room, có chương trình hành động để nâng quy mô TTCK… Nếu chúng ta đặt vấn đề cả về vĩ mô và vi mô Việt Nam đang là một ngoại lệ thì chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường.
Nhưng như tôi đã nói, nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa đang muốn tin vào Việt Nam. Câu hỏi người ta thường đặt ra là trước đây có những lần Việt Nam đi rồi ngừng, đi rồi ngừng, lần này Việt Nam phát đi một thông điệp mạnh về việc sẽ tiếp tục đi tới. Liệu lần này có khác không?