Vốn ngoại: Chờ động thái mới

(ĐTCK) Thông tin Công ty Fraser and Neave Limited (Singapore) chi 4 tỷ USD mua toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk sau đó là tin phủ nhận nội dung này gây xôn xao dư luận giới đầu tư chứng khoán. 
Hiện nhiều NĐT ngoại chỉ muốn đầu tư những sản phẩm tài chính để hưởng lợi ích tài chính Hiện nhiều NĐT ngoại chỉ muốn đầu tư những sản phẩm tài chính để hưởng lợi ích tài chính

Sự việc không có thật, nhưng nếu giả sử có thật việc một DN ngành thực phẩm nước ngoài mua toàn bộ cổ phần Nhà nước khi thoái khỏi Vinamilk thì sao?

Kết quả sẽ là Nhà nước thu được món tiền lớn, còn nhà đầu tư chứng khoán không có bất cứ cơ hội nào mua thêm DN hạng tốt nhất thị trường này. Nới room Vinamilk, như vậy là vô nghĩa với nhà đầu tư đại chúng.

Nới room, chờ đợi mãi sao giờ chưa… nới?

Nới room không phải là bài toán lần đầu được tính toán trên TTCK Việt Nam bởi trước đó, Chính phủ đã 2 lần thực hiện việc này để nới room từ 20% lên 30%, rồi sau đó từ 30% lên 49% vào cuối năm 2005 (trừ room với ngành ngân hàng vẫn giữ mức 30% theo đúng cam kết tại WTO).

Chia sẻ với ĐTCK, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, nhìn lại những thời khắc lịch sử, sẽ thấy có sự tương đồng trong các quyết sách nới room.

“Đến năm 2005, HOSE mới có 32 DN niêm yết. Cuối năm này, Chính phủ thực hiện việc nới room từ 30% lên 49% đồng thời có chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy các DN lên sàn. TTCK chỉ riêng năm 2006 có thêm 74 DN niêm yết. Giao dịch trên thị trường sôi động, vốn ngoại vào DN tăng rất mạnh, giúp TTCK có giai đoạn phát triển cân bằng, cung và cầu được thỏa mãn và đẩy mặt bằng TTCK lên mức cao hơn”, ông nói.

Lần nới room năm 2015 diễn ra trong bối cảnh văn hóa minh bạch, công khai hóa hoạt động của các DN trong nền kinh tế được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ; quyết sách cổ phần hóa gắn với lên sàn được định danh bằng các văn bản luật (Quyết định 51/2014/QĐ-TTg và Nghị định 60/2015/NĐ-CP).

Thị trường hiện có trên 900 DN đưa cổ phiếu lên sàn và đang chờ đón khoảng 800 DN đại chúng đưa cổ phiếu vào giao dịch. Hàng hóa đang và sẽ ngập sàn, nhưng con đường thu hút các dòng vốn lớn lại dường như ngày càng… bí ẩn.

Nhà đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm kiên trì kiến nghị và háo hức chờ đợi thành quả nới room đến 100% từ Chính phủ Việt Nam, nay vẫn sẽ tiếp tục phải chờ đợi quy định định danh các ngành nào được nới, ngành nào không được nới.

Thông tin ĐTCK có được, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã được Chính phủ xem xét để ký ban hành. Tuy nhiên, bản dự thảo Nghị định mới nhất chỉ quy định nguyên tắc chung về tỷ lệ đầu tư của khối ngoại trong các tổ chức kinh tế, còn quy định cụ thể mức nào lại phụ thuộc vào một danh mục ngành nghề cụ thể, vẫn đang được lấy ý kiến các bộ, ban, ngành.

Khi bước bằng “một chân”, tức là chỉ tăng về cung, không tăng sức cầu, TTCK sẽ rất khó có sự bứt phá. Thực tế cho thấy, TTCK Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào dòng vốn nội, vì thế, bên cạnh triển khai quyết sách nới room, Tổng giám đốc CTCK MBS Trần Hải Hà cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính nên tiếp tục những nỗ lực xúc tiến đầu tư, tiếp cận và mời gọi dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam. 

Tìm cách khác để nới room

Trong khi nới room đã không còn là câu chuyện nóng hổi, được chờ đợi thực thi sớm thì nhu cầu của nhà đầu tư, của TTCK vẫn luôn chờ nhà quản lý phát triển những sản phẩm cho phép thỏa mãn việc đầu tư của khối ngoại và tăng thanh khoản của thị trường.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc MBS từng cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, nhà quản lý cần công bố thời hạn cụ thể thực hiện các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ TTCK, như giải pháp giao dịch T+0, T+2, lộ trình cho các sản phẩm mới và khả năng sửa quy định về margin…

Về phía nhà đầu tư ngoại, điều mong nhất là một công cụ cho phép họ đầu tư để hưởng các lợi ích tài chính trên sản phẩm. Thực tế, nhiều nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF không có nhu cầu nắm quyền biểu quyết, quyền dự đại hội đồng cổ đông tại DN, mà chỉ muốn đầu tư những sản phẩm tài chính để hưởng lợi ích tài chính, dù nó có thể tồn tại dưới tên gọi cổ phiếu không có quyền biểu quyết, NVDR hay một tên thuần Việt khác.

Nếu UBCK, Bộ Tài chính sớm chỉ đạo tạo dựng những công cụ đầu tư này, sẽ không chỉ thúc đẩy TTCK sôi động, tăng sức hấp dẫn vốn ngoại đến với kênh chứng khoán, mà còn giảm sự phụ thuộc vào việc triển khai nới room hàng loạt đến 100% từ các bộ, ban, ngành.

Khi TTCK sôi động, sẽ kích thích sự luân chuyển của dòng vốn, sự lớn mạnh của DN niêm yết, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Nếu có công cụ tài chính mới, việc Fraser and Neave Limited hay một nhà đầu tư lớn nước ngoài khác mua trọn vẹn cổ phần Nhà nước tại Vinamik, sẽ không làm hạn chế không gian mua, hưởng lợi ích tài chính trên hàng hóa này của các nhà đầu tư khác. Đó là điểm hữu dụng của loại hình công cụ tài chính, phái sinh trên cổ phiếu phổ thông mà nhiều nước đã áp dụng, nhưng Việt Nam thì… chưa biết bao giờ.  

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục