Theo phản ánh của nhà đầu tư ngoại, để mở được mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, họ phải mất cả năm trời do phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Hạn chế này được giải quyết ra sao tại Thông tư 123/2015 vừa được Bộ Tài chính ban hành, thưa ông?
Điểm cải cách nổi bật của Thông tư 123/2015 so với quy định hiện hành là bãi bỏ cơ chế hợp pháp hóa lãnh sự, nên thời gian để nhà đầu tư nước ngoài triển khai các thủ tục đầu tư tại TTCK Việt Nam được rút ngắn tối đa.
Nếu như với cơ chế cũ, họ phải mất 9 tháng đến 1 năm để hoàn tất thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó mất 3 hoặc 5 ngày để được cấp mã số giao dịch chứng khoán, thì theo quy định tại Thông tư 123/2015, họ chỉ mất 1 ngày là được cấp mã số giao dịch. Đặc biệt, tại thông tư này, lần đầu tiên có quy định nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng cơ chế cấp mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Điều này góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh của TTCK Việt Nam so với các thị trường lân cận trong việc thuận lợi hóa tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Cùng với quy định về nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định 60/2015, có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, những cải cách này sẽ góp phần thu hút tốt hơn dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Quy định mới còn giúp nhà đầu tư nước ngoài đơn giản hóa những thủ tục nào khác khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, thưa ông?
Một điểm cải cách khác của Thông tư 123/2015 là với những tài liệu bằng tiếng Anh, không phải dịch sang tiếng Việt. Nghĩa là, thành viên thị trường, cơ quan quản lý chấp nhận thụ lý và giải quyết hồ sơ bằng tiếng Anh, thay vì nhà đầu tư nước ngoài phải dịch các tài liệu sang tiếng Việt và công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự như quy định hiện hành.
Những cải cách trên không chỉ góp phần tiết giảm tối đa thời gian cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn giúp họ tiết kiệm chi phí, tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư trên thị trường. Có thể nói, những cải cách lớn về thủ tục hành chính trong Thông tư 123/2015 đã xử lý triệt để, tháo gỡ hoàn toàn mọi vướng mắc tiếp cận thị trường TTCK Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tư 123/2015 hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ để các công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 60/2015. Ông có thể cho biết cụ thể những nội dung này?
Để tạo thuận lợi tối đa cho các công ty đại chúng áp dụng quy định về nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015, Thông tư 123/2015 hướng dẫn, với những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề được phép nới room tới 100%, mà họ không muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài, HĐQT có thể quyết định cho phép thực hiện ngay mà không cần phải triệu tập họp ĐHCĐ.
Chỉ với những doanh nghiệp cũng thuộc diện được phép nới room đến 100%, nhưng họ muốn khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa của bên nước ngoài ở một tỷ lệ cụ thể nào đó dưới 100%, thì doanh nghiệp phải lấy ý kiến ĐHCĐ (thông qua lấy ý kiến bằng văn bản nếu điều lệ công ty cho phép, hoặc tổ chức ĐHCĐ) để cổ đông quyết về tỷ lệ sở hữu tối đa của bên nước ngoài, đồng thời thể hiện nội dung này tại điều lệ sửa đổi của công ty.
Sau đó, doanh nghiệp gửi biên bản, nghị quyết ĐHCĐ về nới room lên UBCK, để UBCK công bố thông tin, đồng thời phối hợp với các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát việc thực hiện tỷ lệ sở hữu tối đa của bên nước ngoài tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp xác định ngành nghề kinh doanh, cũng như tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, với những ngành nghề chưa được cập nhật trên hệ thống này, doanh nghiệp phải làm gì để biết họ có được nới room hay không, thưa ông?
Với những trường hợp như vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục để cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận ngành nghề kinh doanh, cũng như tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài, làm cơ sở cho triển khai quy định về nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp. UBCK sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả Nghị định 60/2015 và Thông tư 123/2015.