Thưa Thứ trưởng, trong vai trò là Trưởng Nhóm quan chức cao cấp (SOM) Việt Nam, ông đánh giá thế nào về bối cảnh và những thuận lợi của Kỳ họp lần này?
Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng và đặc biệt.
Thứ nhất, khẳng định mong muốn của 2 Chính phủ nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác toàn diện một cách sâu sắc, thiết thực hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ hai, diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu vào trong khu vực cũng như quốc tế, mà Việt Nam và Campuchia đều là thành viên. Trước hết, xuất phát từ quan hệ nội khối đến quan hệ với các đối tác khác ngoài khối ASEAN để cùng nhau tìm ra những cơ hội cho quá trình hội nhập này nhằm mang lợi ích tốt nhất cho cả 2 đất nước.
Tại kỳ họp lần này, hai bên rà soát, đánh giá tiến trình thực hiện kết quả Kỳ họp lần thứ 13; kiểm điểm những kết quả đạt được, cũng như nêu ra những vấn đề mà chúng ta chưa đạt được và tìm ra nguyên nhân tháo gỡ.
Tất cả hợp tác đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực và đạt được kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề chưa đạt được như mong muốn kỳ vọng của 2 chính phủ cũng như thỏa thuận trong Biên bản lần thứ 13 mà chúng ta đã ký kết.
Kỳ họp lần thứ 14 đã đặt ra những vấn đề gì cần được tập trung, ưu tiên trong thời gian tới, thưa ông?
Hai bên đã trao đổi và thỏa thuận về phương hướng và các biện pháp nhằm gia tăng hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Trong đó, các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… được 2 bên quan tâm, ưu tiên tập trung thực hiện.
Cụ thể, về thương mại, tập trung đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định; hoàn thành hiệp định tránh đánh thuế hai lần; triển khai thực hiện hiệu quả hiệp định bảo hộ khuyến khích đầu tư giữa 2 nước để có thể thúc đẩy đầu tư cũng như phát triển thương mại.
Thông qua các hiệp định thương mại, hiệp định mua bán trao đổi hàng hóa qua biên giới sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Về hoạt động đầu tư, 2 bên tiếp tục tuyên truyền luật pháp của mỗi nước trong lĩnh vực này. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông - lâm - ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế… và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch.
Các nhà đầu tư Việt Nam sẽ có cơ hội ở những lĩnh vực cụ thể gì tại Campuchia và Chính phủ hai nước có hoạt động gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Hiện nay, Campuchia có tiềm năng và ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp lâu năm, khai khoáng, năng lượng, dịch vụ… Đây cũng là những lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được khuyến khích đầu tư vào Campuchia.
Tại kỳ họp lần này, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia, hai bên cùng nhau trao đổi, xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào làm ăn có hiệu quả và đóng góp được cho sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia...