Rối ren thoái vốn nhà nước tại Xuất nhập khẩu Hưng Yên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã cổ phần hóa từ nhiều năm trước, nhưng đến nay các cổ đông vẫn tranh cãi về khoản chuyển nhượng 36% cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Hưng Yên tại CTCP Thương mại và tiếp vận Hưng Yên.
Rối ren thoái vốn nhà nước tại Xuất nhập khẩu Hưng Yên

CTCP Xuất nhập khẩu Hưng Yên tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được hợp nhất bởi Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên và Công ty Thủ công mỹ nghệ Hưng Yên.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 17 tỷ đồng, cổ phần hóa vào năm 2005 và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 90% vốn. Doanh nghiệp có 2 công ty con và 1 công ty liên kết là Công ty Tiếp vận Hưng Yên.

Ông Hà Kim Long, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên cho biết, khi Nhà nước thoái vốn có 3 nhà đầu tư tham gia, trong đó ông Trịnh Khắc Triệu nhận chuyển nhượng 39% vốn điều lệ (lần đấu giá thứ 2). Do có sự xuất hiện các cổ đông mới, nên Công ty tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) để bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mới.

Theo bản công bố thông tin năm 2012, Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên đang sử dụng và quản lý 5 khu đất có tổng diện tích là 20.005 m2 tại tỉnh Hưng Yên và Lào Cai để làm trụ sở, nhà kho…    

Tại cuộc họp ngày 30/6/2015, Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên ban hành nghị quyết, trong đó có nội dung “trao đổi 540.000 cổ phần ký quỹ tại Công ty Tiếp vận Hưng Yên (tương ứng 36% vốn điều lệ) để lấy 540.000 cổ phần của ông Trịnh Khắc Triệu”.

Việc chuyển nhượng nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ biểu quyết 75%. Ông Hà Mạnh Cường đại diện Công ty Tiếp vận Hưng Yên ký chuyển nhượng cổ phần.

Giao dịch trên xảy ra tranh chấp trong các năm 2016, 2017. Bản án có hiệu lực pháp luật năm 2017 đã tuyên hủy một phần nghị quyết ngày 30/6/2015 liên quan đến nội dung trao đổi cổ phần. Ngày 27/7/2017, Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên đã họp ĐHCĐ thường niên để thi hành bản án.

Tranh chấp tiếp tục phát sinh khi nhóm cổ đông của Công ty Tiếp vận Hưng Yên nắm giữ 818.500 cổ phần (tương đương 54,6% vốn điều lệ) tiến hành ĐHCĐ bất thường vào ngày 2/8/2018 với nội dung bãi nhiệm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cũ để bầu mới.

Nhóm cổ đông này cho rằng, lãnh đạo đương nhiệm không hoàn thành  nhiệm vụ dẫn đến kinh doanh thua lỗ nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Nhóm cổ đông khởi kiện ra tòa án yêu cầu công nhận nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 2/8/2018. Đồng thời yêu cầu Hội đồng quản trị cũ bàn giao tài sản, con dấu, sổ sách kế toán của Công ty. Năm 2019, tòa sơ thẩm đã chấp thuận yêu cầu của nhóm cổ đông.

Các bị đơn là ông Hà Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Tiếp vận Hưng Yên) và ông Hà Kim Long (Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên) kháng cáo bản án trên. Các bị đơn cho rằng, việc triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 2/8/2018 không đúng trình tự, ông Cường là cổ đông nhưng không được mời họp…

Luật sư Lê Trọng Thêm nhận định, nguyên đơn không có tư cách khởi kiện. Danh sách cổ đông của Công ty Tiếp vận Hưng Yên không ghi nhận Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên là cổ đông.

Hiện nay, không có phán quyết nào khẳng định giao dịch chuyển nhượng giữa ông Hà Mạnh Cường và ông Trịnh Khắc Triệu là vô hiệu. Hai bên đã hoàn tất việc chuyển nhượng, ông  Cường mới là cổ đông công ty.

Mặt khác, danh sách họp ĐHCĐ bất thường được lập không dựa trên căn cứ sổ đăng ký cổ đông… Do vi phạm trình tự, thủ tục, nên nghị quyết ngày 2/8/2018 không có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, mới đây, khi giải quyết theo trình tự phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, trình tự và thủ tục họp ĐHCĐ bất thường là đúng quy định. Nhóm cổ đông nắm giữ 54,6% vốn Công ty Tiếp vận Hưng Yên đã yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cũ tổ chức ĐHCĐ, nhưng bất thành.

Điều 114 - Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền triệu tập ĐHCĐ. Nghị quyết ngày 2/8/2018 được ban hành và không bị khiếu nại, khiếu kiện, nên hết thời hạn 90 ngày đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục