Lộn xộn cho thuê, hợp tác, doanh nghiệp vất vả đòi lại đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau cổ phần hóa, để đòi lại các cơ sở nhà đất đã hợp tác đầu tư - kinh doanh, doanh nghiệp vất vả theo đuổi kiện tụng nhiều năm mà vẫn chưa xong...
Lộn xộn cho thuê, hợp tác, doanh nghiệp vất vả đòi lại đất

Tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã giải quyết vụ kiện đòi nhà đất tại Mã Mây (Hà Nội) của một công ty. Theo đơn khởi kiện, cơ sở nhà đất này được giao cho công ty quản lý, sử dụng trước cổ phần hóa.

Năm 2007, công ty ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tiến Đồng để cùng khai thác, sử dụng nhà đất mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thời gian hợp tác là 5 năm. Sau đó, hai bên ký phụ lục kéo dài hợp đồng đến năm 2012. Trước khi hợp đồng kết thúc, năm 2011, tại địa chỉ trên xảy ra vụ cháy làm chết người.

Sau này, cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, khởi tố, xét xử vụ án và đã ra bản án có hiệu lực pháp luật. Về phần bồi thường dân sự, công ty cho thuê đất trình bày rằng không có tài sản tại địa chỉ nói trên, nên tòa án không đưa công ty vào tham gia tố tụng.

Cũng theo công ty cho thuê đất, Công ty Tiến Đồng đã vi phạm hợp đồng: Sử dụng sai mục đích kinh doanh mở quán bar, quán karaoke, sàn nhảy, tự ý hợp tác và đem nhà đất Mã Mây giao cho doanh nghiệp khác với thời hạn 30 năm, mà không có sự đồng ý của công ty.

Đến nay, khi hết thời hạn hợp đồng kết thúc, bị đơn không trả lại nhà đất, nên công ty đề nghị tòa án buộc bị đơn phải trả lại nhà đất, thanh toán tiền còn thiếu theo hợp đồng, bồi thường tiền thuê đất, thuế đất là hơn 2 tỷ đồng và một số khoản khác. Tổng cộng số tiền là hơn 2,4 tỷ đồng.

Tòa án nhận định, hợp đồng hợp tác giữa công ty và Công ty Tiến Đồng bản chất là hợp đồng cho thuê đất.

Cơ sở nhà đất Mã Mây được UBND TP. Hà Nội cho công ty thuê từ năm 1998. Hợp đồng thuê đất giữa UBND Thành phố và công ty có quy định, trong thời gian thực hiện hợp đồng này, công ty không có quyền thế chấp, góp vốn bằng đất, chuyển quyền sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, hợp đồng này là vô hiệu, số tiền cho thuê đất phải nộp ngân sách.

Khi cổ phần hóa, Nhà nước đã giao cho công ty tiếp tục quản lý, sử dụng nên buộc Công ty Tiến Đồng và các cá nhân, tổ chức khác phải di dời, trả lại cơ sở nhà đất này. Đối với các yêu cầu khác, sau khi xem xét, tòa án buộc Công ty Tiến Đồng trả hơn 2 tỷ đồng tiền thuế đất, tiền thuê đất cho công ty.

Trên thực tế, tình trạng cho thuê đất, sau đó người thuê không trả lại dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài không hiếm. Đơn cử như dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), lô đất CC3 của dự án này bị cho thuê lại nhiều lần và kinh doanh bia hơi, sân tennis. Theo trả lời của lãnh đạo Lideco - chủ đầu tư dự án với báo giới thì để đòi lại lô đất này, các bên liên quan đã phải khởi kiện ra tòa án.

Tương tự, CTCP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (Ciri) đã phải theo đuổi vụ kiện gần 10 năm trời để đòi 306 m2 đất tại Thụy Khuê. Theo đó, từ năm 1993, Công ty Việt Hưng đã được Nhà nước giao quản lý sử dụng cơ sở nhà đất này. Sau đó, Công ty Việt Hưng cho Công ty TNHH Hiệp Hưng thuê từ năm 1999, thời hạn thuê 10 năm.

Năm 2002, Công ty Việt Hưng được sắp xếp lại, bàn giao nguyên trạng về Công ty Ciri, cơ sở nhà đất này cũng được chuyển về Ciri. Sau này, Ciri yêu cầu Công ty Hiệp Hưng trả lại đất, nhưng phía Hiệp Hưng cho rằng trước đây đã có hợp đồng mua bán cơ sở nhà đất này và không đồng ý trả lại.

Công ty Ciri đã khởi kiện từ năm 2011, nhưng vụ kiện đã kéo dài nhiều năm mà chưa thể giải quyết xong. Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã hủy án sơ thẩm và vụ việc được giải quyết lại từ đầu. Với những quy định về các thời hạn tố tụng như hiện nay, vụ án có thể mất thêm một hoặc nhiều năm nữa mới có thể dứt điểm.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục