Tít mù chuyện bàn giao tài sản công
Gần 6 tháng kể từ khi đường cất hạ cánh số 2; các đường lăn G1, G3, G5; sân đỗ tàu bay số 1 và các hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác (ILS/DME)… tại Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Cam Ranh được nhà chức trách hàng không công bố đủ điều kiện khai thác, toàn bộ khối tài sản trị giá cả ngàn tỷ đồng này vẫn đang “đóng băng” với lý do khá hy hữu là, chưa thể xác định các đơn vị tiếp nhận, quản lý khai thác.
Được biết, vào tháng 10/2014, do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) không cân đối được nguồn vốn, nên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư Dự án Đường cất hạ cánh số 2 của CHKQT Cam Ranh với tổng mức đầu tư 1.936 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương góp 50% và 50% từ nguồn ngân sách Trung ương.
Việc đầu tư Dự án khi đó được cả Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá là “rất cấp bách” do đường cất hạ cánh số 1 CHKQT Cam Ranh bị hư hỏng rất nặng, trong khi, lượng hành khách quốc tế tiếp tục đổ về trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của khu vực Nam Trung bộ qua đường hàng không đang gia tăng rất nhanh.
“Ngoài ý nghĩa về kinh tế, du lịch địa phương, với tư cách là sân bay dân dụng cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO và quân sự cấp I, CHKQT Cam Ranh còn có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo”, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết và đó cũng là lý do khiến lãnh đạo tỉnh Khánh Hoa dốc sức cùng Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.
Đến đầu tháng 3/2019, giai đoạn I của Dự án bao gồm các hạng mục xương sống là đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối, hệ thống ILS/DME cũng đã hoàn thành và được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) kiểm tra và thống nhất nghiệm thu. Sau đó, tháng 3/2019, Cục Hàng không Việt Nam lên kế hoạch đưa vào khai thác đường cất hạ cánh số 2 và đường lăn nối G1, G3, G5 sân bay Cam Ranh từ 7h00 ngày 23/5/2019.
Để đảm bảo tính pháp lý, vào thời điểm cuối tháng 4/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT tiếp nhận việc quản lý, khai thác các hạng mục công trình của Dự án. Khi hoàn thành toàn bộ Dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ GTVT để tiến hành các thủ tục liên quan đến việc bàn giao tài sản.
Tuy nhiên, việc bàn giao, đưa vào khai thác các tài sản này trên thực tế lại nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Trong Công văn số 4929/BGTVT - KCHT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2019, Bộ GTVT cho biết, sau khi các hạng mục trên được chủ đầu tư nghiệm thu đủ điều kiện khai thác đã tạm giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị duy nhất có năng lực, chức năng) tiếp nhận và quản lý khai thác các hạng mục nói trên.
“Việc giao các tài sản nói trên cho ACV được thực hiện vào tháng 10/2017 - trước thời điểm Nghị định số 44/2018/NĐ - CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được ban hành và ACV khi đó vẫn là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.
Đối với phần lớn hạng mục công trình hoàn thành sau khi Nghị định số 44 có hiệu lực, thì chủ đầu tư chỉ có thể bàn giao cho Bộ Tài chính với tư cách là công sản sau khi thực hiện quyết toán. Hoàn tất công đoạn này, Bộ Tài chính tiếp tục bàn giao cho Bộ GTVT để bộ này giao tiếp cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ GTVT là Cục Hàng không Việt Nam. Điều đáng nói là hiện Cục Hàng không Việt Nam không có đủ năng lực để vận hành, quản lý các tài sản khu bay, trong kh việc thực hiện giao cho ACV khai thác bị vướng do doanh nghiệp này đã cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2016.
Tự trói
Mặc dù Nghị định số 44 có mở lối cho các trường hợp cần thiết có thể giao một số tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Trong trường hợp này, Bộ GTVT có thể chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại Đề án Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng tiếp tục tạm giao ACV (hiện đã trở thành công ty cổ phần với đại diện phần vốn nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp), nhưng không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong khoảng 5 năm. Tuy nhiên, cho tới nay, Đề án này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành, nên việc “tạm giao” cho ACV quản lý vẫn phải treo lại.
Không chỉ vướng mắc trong quá trình bàn giao, đưa vào khai thác các tài sản giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Khánh Hòa và ACV, Dự án đường cất hạ cánh số 2 còn đang rơi vào nguy cơ khó có thể hoàn thành đúng mục tiêu đề ra.
Tại Công văn số 7063/BTC - QLCS phản hồi đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù Dự án đã hoàn thành giai đoạn I và được cơ quan chức năng xác định đủ điều kiện khai thác, nhưng chưa thực hiện quyết toán, xác định giá trị tài sản, vì vậy, Dự án chưa đủ điều kiện điều chuyển tài sản theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 44.
Do Giai đoạn II Dự án được triển khai gần như song song với giai đoạn I hiện cũng cơ bản hoàn thành hạng mục chính là sân đỗ tàu bay phía trước Nhà ga hành khách quốc tế T2. Riêng đường lăn C4, W6, AC5 sẽ hoàn thành vào quý I/2020 với điều kiện là đường cất hạ cánh số 2 được đưa vào khai thác và đóng cửa đường cất hạ cánh số 1.
Nghịch lý là, nếu không bàn giao được tài sản, thì không thể đưa vào khai thác đường cất hạ cánh số 2, để đóng đường cất hạ cánh số 1, nhưng nếu không đóng được đường cất hạ cánh số 1 thì lại không thể hoàn thiện đường cất hạ cánh số 2, từ đó hoàn thành việc quyết toán công trình.
Hiện áp lực đảm bảo an toàn khai thác đối với nhà chức trách hàng không và đơn vị khai thác CHKQT Cam Ranh là rất lớn. Đường cất hạ cánh số 1 được đưa vào khai thác từ năm 2004, đáp ứng khai thác tàu bay A330 - 200, B777 - 200 ER có tính toán hạn chế tải trọng. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao cho hàng không dân dụng khai thác đến nay, đường cất hạ cánh số 1 chưa được sửa chữa lớn, chỉ thực hiện sửa chữa nhỏ, trám vá vết nứt.
“Đã xuất hiện rất nhiều vết nứt dọc theo vệt bánh sau của tàu bay toàn bộ chiều dài đường cất hạ cánh. Toàn bộ các khe co giãn đã bị “lão hoá”. Các tấm bê tông xi măng khu vực đường lăn nối, tiếp giáp đường cất hạ cánh bị sụt lún, nứt vỡ tại nhiều vị trí. Rất cấp thiết phải đóng cửa đường cất/hạ cánh này để thực hiện sửa chữa lớn, tránh tình trạng an toàn hàng không bị uy hiếp”, ông Nguyễn Bá Quân, Giám đốc CHKQT Cam Ranh cho biết.
Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, một tài sản trị giá cả ngàn tỷ đồng phải nằm chờ đưa vào khai thác chỉ vì câu chuyện trách nhiệm của ai, phân tách tài sản như thế nào, trong khi nhu cầu là quá cấp bách.
Không chỉ riêng CHKQT Cam Ranh, những vướng mắc liên quan đến việc bàn giao các tài sản thuộc Dự án Đầu tư mở rộng khu bay CHKQT Cát Bi trị giá 3.660 tỷ đồng chưa thể xử lý dứt điểm cũng đang khiến UBND TP. Hải Phòng đau đầu.
Cho đến thời điểm hiện tại, các kết cấu hạ tầng khu bay CHKQT Cát Bi do UBND TP. Hải Phòng làm chủ đầu tư tuy đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 3 năm, thậm chí đã qua cả thời hạn bảo hành công trình, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất việc điều chuyển tài sản công giữa trung ương và địa phương.
Mặc dù đã mạnh dạn giao cho ACV tạm quản lý, sử dụng tài sản, nhưng do không phải là chủ sở hữu tài sản nên đơn vị này không hạch toán được chi phí sửa chữa, thay thế thiết bị cũng như không đủ điều kiện để mua bảo hiểm khai thác theo quy định, đặc biệt là hệ thống ILS/DME và đèn đêm - những kết cấu có ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an toàn khai thác bay.
“Việc không lường hết những phức tạp trong quản lý hệ thống hạ tầng khu bay đã khiến các cơ quan quản lý nhà nước đang tự trói nhau bởi những quy định không phù hợp, gây lãng phí rất lớn các khối tài sản công trị giá nhiều ngàn tỷ đồng”, một chuyên gia nhận xét.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1006/QĐ - TTg ngày 14/7/2009.
Theo đó, CHKQT Cam Ranh được quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO và sân bay quân sự cấp I; có khả năng tiếp nhận B777, B747 và tương đương. CHKQT Cam Ranh hiện có tốc độ tăng trưởng hành khách lớn nhất nước với sản lượng hành khách có thể vượt quá 9 triệu lượt khách vào năm 2019. Sân bay cũng có các chuyến bay quốc tế đến/đi lớn thứ ba trong số 22 cảng hàng không trong nước.