Rộ xu hướng dịch chuyển về ngoại ô

(ĐTCK) Nếu như thời gian trước chung cư nội thành chiếm thế mạnh trong cuộc đua cạnh tranh, thì hiện nay, người dân ngày càng có xu hướng lựa chọn những căn hộ chung cư ở ngoại thành.
Các dự án chung cư ngày càng dịch ra xa dần khu trung tâm Các dự án chung cư ngày càng dịch ra xa dần khu trung tâm

Gian nan ở nhà… nội đô

6 giờ 30 tối, một ngày cuối năm mưa phùn lạnh, chị Phương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn cần mẫn cùng chiếc xe máy, nhích từng cen-ti-met trên con đường huyết mạch Láng, quận Đống Đa để về nhà sau 1 ngày làm việc.

Chiều nào cũng vậy, ít nhất phải hơn 1 tiếng đồng hồ chị mới có thể về đến nhà, dù nhà cách chỗ làm và trường học của con chưa đầy 5 km. Dù có vội mấy, thì chị cũng đành chịu, bởi con đường nhỏ xíu vẫn vậy, ngày nào cảnh tắc đường cũng diễn ra vào giờ cao điểm.

Lấy nhau từ năm 2008, gần 8 năm mới tích cóp được khoảng 800 triệu đồng, những tưởng mua được một căn hộ tập thể chưa đầy 40 m2 ngay giữa một quận trung tâm thành phố là sướng, nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng chị Phương lại thấy hối hận và mong muốn chuyển đi đến vậy.

Chị kể, ngày ấy đã từng ưng ý một căn hộ chung cư tại Long Biên với giá chưa đến 16 triệu đồng/m2, diện tích rộng 70 m2 với 2 phòng ngủ. Thế nhưng, phần vì tâm lý ngại vay, ngại đi qua cầu, phần vì nghĩ ở trung tâm thì con cái học hành thuận tiện, nên chị mới quyết định mua căn hộ tập thể cũ.

Nhiều dự án ở khu vực ngoại thành như huyện Hoài Đức được đầu tư đồng bộ về hạ tầng có sức hút lớn với người mua nhà  

Không chỉ khổ vì tắc đường, vì nhà quá chật chội, lại thiếu thốn hạ tầng tiện ích, nên không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề. Mấy đứa trẻ suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, không được ra ngoài đường vì sợ bụi, sợ bẩn và nhất là sợ xe cộ phóng ầm ầm trong ngõ.

Không chỉ tại khu tập thể của chị Phương, tình trạng kẹt xe, quá tải hạ tầng cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác ở các quận trung tâm Hà Nội như Hai Bà Trưng, Đống Đa, hay các khu vực trung tâm mới như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… khi nhiều dự án chung cư mọc lên trong các con ngõ nhỏ.

Mật độ cư dân tăng lên nhanh chóng không chỉ tác động lên hạ tầng giao thông, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng điện nước, giáo dục, y tế... của toàn khu vực. Người dân sinh sống trong khu vực nội đô đang hàng ngày phải sống chung cùng nạn tắc đường và khói bụi ô nhiễm

Trong thời gian trước, đất nền, nhà phố, chung cư trong nội thành có nhiều thế mạnh trong cuộc đua cạnh tranh, nhưng trong vòng mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình trẻ đang có xu hướng lựa chọn những căn hộ chung cư đầy đủ tiện nghi ở ngoại thành để làm chốn an cư.

Không còn ngại “ở gần, ở xa”

Xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven của người dân Hà Nội đã manh nha từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự rõ nét trong một vài năm trở lại đây.

Xuất phát từ việc hạ tầng giao thông và tiện ích xã hội của các khu vực ven ngoại thành như Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Báo cáo cập nhật thị trường của CBRE Việt Nam cho biết, năm 2018, thị trường bất động sản nhà ở và văn phòng tại Hà Nội đã có sự mở rộng nhanh chóng ra khu vực ngoại thành.

Theo thống kê của CBRE, trong năm 2018, thị trường chung cư để bán tại Hà Nội vẫn giữ mức mở bán mới cao với khoảng 30.000 căn. Trong năm nay, thị trường tiếp tục chuyển dịch sang phân khúc trung cấp. Tỷ trọng của phân khúc này đã tăng từ 63% trong năm 2017 lên 70% tổng nguồn cung mở bán mới. Điều này cho thấy, người mua nhà để ở vẫn là nguồn cầu chủ yếu trên thị trường Hà Nội.

Theo vị trí, xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm tiếp diễn trong năm 2018 khi chỉ có 2% nguồn cung mở bán mới ở bốn quận trung tâm. Trong khi đó, thị trường ngày càng mở rộng ra các khu vực ngoại thành với số lượng các dự án mới mở bán ngoài bán kính 10 km từ trung tâm Hà Nội ngày càng tăng. Trong năm 2018, những dự án từ các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm chiếm đến 20% lượng căn hộ mở bán mới.

Về doanh số bán hàng, có khoảng 26.000 căn hộ bán được trong năm 2018. Mặc dù doanh số bán giảm 11% theo năm, song khoảng cách giữa lượng mở bán mới và doanh số bán lại dần thu hẹp.

Cụ thể, tỷ lệ giữa doanh số bán và số căn mở bán mới đã tăng từ 81% (năm 2017) lên 88% (năm 2018). Các dự án có doanh số bán hàng khả quan đều nằm gần các cơ sở hạ tầng như đường Vành đai 2 trên cao hay tuyến Metro số 2A. Thêm vào đó, các dự án ở vị trí tốt tại khu vực phía Tây - khu vực trung tâm mới, cũng có doanh số khá tốt trung bình 70% cho một đợt mở bán mới.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Phụ trách bộ phận phân tích CBRE Việt Nam, trước đây, nhiều người mua nhà ngại đi làm xa vì sự bất tiện về giao thông, nên chọn mua những dự án gần trung tâm, dù phải giá cao hơn rất nhiều. Nếu không đủ tiềm lực tài chính, khách hàng cũng hướng tới việc thuê nhà gần trung tâm để ở vì tiện cho việc đi làm hoặc sinh hoạt của con cái hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng giao thông đã làm thay đổi xu hướng của người mua nhà.

Ở phía Bắc có cầu Nhật Tân, phía Nam có cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, giúp việc di chuyển từ Long Biên, Gia Lâm vào trung tâm Thành phố dễ dàng hơn. Ngoài ra, khu vực phía Nam Thành phố cũng có nhiều dự án mở rộng, xây mới các tuyến đường trọng điểm. Còn ở phía Tây, có hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm đã được triển khai như Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3, đường Tố Hữu, hầm chui Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, tuyến buýt nhanh số 1...

Chính sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông đã giúp xóa nhòa cảm giác "ở gần, ở xa" của người mua nhà, thúc đẩy người dân tìm mua các dự án bất động sản xa trung tâm. Ngoài ra, mức giá hợp lý, không gian thoải mái, không chật chội, nên người mua nhà cũng cởi mở hơn trong việc chấp nhận sinh sống xa trung tâm, dù phải làm việc trong trung tâm.

"Điều quan trọng là các tuyến đường mới mở, cùng tiện ích xã hội phát triển giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc di chuyển, cũng như chọn chỗ học hành cho con cái", bà An nói và cho biết, khi người dân có xu hướng ly tâm, sẽ kéo giãn mật độ cư dân ra ngoại ô, các loại hình dịch vụ cũng sẽ dịch chuyển theo.

Sự thay đổi thấy rõ nhất sẽ là mạng lưới xe buýt ngoại thành, như cách mà người dân Hà Nội đã quen với hình ảnh những chiếc xe buýt màu xanh của Khu đô thị Ecopark ngày ngày đưa đón cư dân đi, về.

Khi những khu dân cư lớn được hình thành ngày một nhiều hơn ở ngoại ô, nhu cầu đi lại tăng, bàn tay vô hình của thị trường sẽ khởi động và những tuyến xe buýt sẽ được đầu tư mà không cần sự trợ giá của chính quyền đô thị.

Thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân sẽ được hình thành và giao thông đô thị sẽ theo đó mà cải thiện, khi phương tiện cá nhân tự động hạn chế. Sống ở ngoại ô, bởi thế, không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân, mà cần phải trở thành lựa chọn phát triển của thành phố.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục