Rõ dần cơ chế thưởng tiến độ cho nhà thầu giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ có thêm động lực với cơ chế thưởng vượt tiến độ.
Tổng công ty 319 thi công Gói thầu XL11, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Tổng công ty 319 thi công Gói thầu XL11, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Động lực thiết thực

Việc xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã có những bước tiến dài nếu chiểu theo Công văn số 3302/BKHĐT - KCHTĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải nói thêm rằng, Luật Xây dựng (Điều 146) và Nghị định số 37/2015/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (Điều 42) chỉ quy định chung về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, chưa quy định cụ thể về mức thưởng, cũng như chi phí thưởng hợp đồng trong tổng mức đầu tư xây dựng của một dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành quy định này theo hình thức nghị định của Chính phủ sẽ đáp ứng được 3 tiêu chí: các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Luật; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội (khuyến khích, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải - GTVT); những vấn đề liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên (Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt theo hình thức Nghị định của Chính phủ và thực hiện theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo Luật Xây dựng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, việc phạt hợp đồng đã có quy định tương đối cụ thể và trên thực tế đã được áp dụng phổ biến thông qua việc giảm trừ giá trị thanh toán gói thầu. Trong khi đó, quy định cụ thể về nguồn tiền thưởng trong tổng mức đầu tư chưa có, nên việc thưởng hợp đồng dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa được áp dụng.

Đây là lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ bao gồm nội dung về thưởng hợp đồng xây dựng (không quy định về phạt hợp đồng).

Tại Thông báo số 46/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án (trong đó có dự án đường cao tốc) theo quy trình rút gọn; bảo đảm vừa khuyến khích sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phòng ngừa các vi phạm trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, dự án.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo Nghị quyết số 43/2002/QH13 của Quốc hội, căn cứ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nghị định này áp dụng cho các gói thầu xây lắp của các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án trọng điểm ngành GTVT.

Ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, đơn vị đang thi công 2 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 cho biết, cơ chế thưởng bằng nguồn hiện vật sẽ là động lực rất lớn cho các nhà thầu thi công vượt tiến độ.

“Để thi công vượt tiến độ thì chắc chắn, các nhà thầu sẽ phải huy động thêm nhân lực và thiết bị. Nếu được bù đắp một phần chi phí, đây là một trong những chìa khóa để các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội về đích vào cuối năm 2025”, ông Tuyến nói.

Tìm nguồn thưởng

Hiện vướng mắc lớn nhất liên quan đến cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu tham gia gói thầu xây lắp các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án trọng điểm ngành GTVT chính là nguồn tiền thưởng hợp đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Nghị định số 10/2001/NĐ-CP của Chính phủ không quy định chi phí thưởng hợp đồng trong tổng mức đầu tư xây dựng. Vì vậy, để có nguồn tiền thưởng hợp đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất sử dụng số tiền dư sau đấu thầu để thưởng (trong phạm vi giá gói thầu).

Tuy nhiên, tại Văn bản số 3339/BGTVT-KHĐT ngày 6/4/2022, Bộ GTVT lại dự kiến sử dụng số tiền dư sau đấu thầu (tiết kiệm 5% dự toán khi chỉ định thầu) để bố trí cho 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Do phần lớn các dự án này đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư, đã lựa chọn tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, nên nếu thực hiện theo phương án này sẽ không còn nguồn để thực hiện việc thưởng hợp đồng như dự thảo Nghị định đang xây dựng.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép giữ lại kinh phí còn dư sau đấu thầu (bao gồm chỉ định thầu) của các dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT để có nguồn thưởng hợp đồng.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, chủ đầu tư và những người tham gia vào quyết định chọn thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với chất lượng và tiến độ của dự án cùng với nhà thầu theo tinh thần cộng đồng trách nhiệm.

“Nên trích một phần trong số 5% kinh phí tiết kiệm được để lập quỹ thưởng cho các nhà thầu có thể rút ngắn được thời gian thi công theo hợp đồng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu, đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, thưởng phạt công tâm”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Được biết, vào năm 2013, Bộ GTVT đã từng trình Chính phủ thưởng vượt tiến độ cho một số nhà thầu Nhật Bản thi công Dự án đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm, sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Cụ thể, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco 4 được đề nghị thưởng 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành sớm gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì hoàn thành vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày. Do những vướng mắc về cơ chế, các nhà thầu này chỉ nhận được một phần giá trị làm lợi của việc rút ngắn tiến độ từ nguồn vốn còn dư tại Dự án.

“Đáng tiếc là sau đó không có thêm trường hợp nào được thưởng vượt tiến độ trong ngành GTVT, nhưng sự việc này cũng đã tạo ra một tiền lệ tốt, thể hiện sự sòng phẳng trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu”, một chuyên gia ngành giao thông nhận định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục