Repo cổ phiếu: Mỗi nơi một kiểu

(ĐTCK) Thị trường tăng điểm trong hơn 2 tháng qua là cơ hội để CTCK triển khai các nghiệp vụ hỗ trợ NĐT. Một trong những nghiệp vụ được nhiều CTCK thực hiện là giao dịch chứng khoán có kỳ hạn (repo). Mới đây, UBCK yêu cầu CTCK báo cáo về loại giao dịch này với những nội dung: nguồn vốn phục vụ giao dịch mua/bán lại chứng khoán có kỳ hạn, quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động giao dịch này… Thời hạn báo cáo trước ngày 29/5/2009.
Đa số CTCK triển khai nghiệp vụ repo trong danh sách dịch vụ dành cho NĐT cá nhân. Đa số CTCK triển khai nghiệp vụ repo trong danh sách dịch vụ dành cho NĐT cá nhân.

Truy cập website của các CTCK, đa số công ty đều triển khai nghiệp vụ repo trong danh sách dịch vụ dành cho NĐT cá nhân. Và đó là một trong những dịch vụ gia tăng hấp dẫn NĐT bên cạnh dịch vụ cầm cố chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư. Nếu tước đi các dịch vụ này, CTCK chỉ bó hẹp trong những nghiệp vụ: môi giới, tư vấn và lưu ký chứng khoán (vốn không được xem là một dịch vụ).  

Repo là hợp đồng mua/bán lại chứng khoán trong một thời gian xác định với một mức giá được xác định. Giá mua/bán lại được tính trên cơ sở giá mua bán ban đầu cộng lãi suất trong khoảng thời gian mua/bán lại. Thực chất đây nghiệp vụ cung cấp vốn cho NĐT nhưng vẫn duy trì được tài sản của NĐT chưa muốn bán. Bản chất là như vậy, nhưng do chưa có quy định cụ thể nên mỗi CTCK có một cách làm khác nhau.

Tại CTCK E Việt (EVS), NĐT có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần chứng khoán trong thời hạn của hợp đồng repo, mọi quyền lợi phát sinh của chứng khoán trong thời gian repo vẫn thuộc về khách hàng. Quy trình để thực hiện một hợp đồng repo như sau: NĐT tham khảo danh sách chứng khoán repo của EVS, sau đó liên hệ với bộ phận repo để xác định các điều khoản, hạn mức, ký kết hợp đồng. Tiếp theo là thực hiện việc chuyển nhượng chứng khoán sang EVS theo hợp đồng repo đã ký và phía EVS sẽ giải ngân. Nếu có nhu cầu, NĐT liên hệ với EVS để yêu cầu thanh lý hợp đồng, mua lại trước hạn hoặc chuyển nhượng cho bên thứ 3.

Tại CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), việc triển khai repo được thực hiện từ tháng 12/2008. Theo đó, giá repo tại SHS không vượt quá 40% thị giá đang giao dịch của cổ phiếu (theo đánh giá của  SHS), đồng thời không vượt quá 2 lần mệnh giá của cổ phiếu đó. Danh mục cổ phiếu repo của SHS gồm cổ phiếu ngân hàng như Quân đội (MB), Eximbank, Ngoại thương, Tập đoàn Bảo Việt, Habeco, Sabeco và kỳ hạn repo tối đa là 6 tháng.

Tại CTCK Dầu khí (PVS), dịch vụ repo chỉ áp dụng cho cổ phiếu ngân hàng như MB, Eximbank… Với các cổ phiếu này, PVS thực hiện repo lô lớn (tối thiểu 20.000 cổ phiếu) với giá trị bằng mệnh giá. Nếu cổ phiếu xuống sát với giá repo thì PVS sẽ yêu cầu NĐT phải nộp thêm tài sản đảm bảo.

Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK cho biết, khi thực hiện nghiệp vụ này đều có công văn xin hướng dẫn của UBCK. Theo ông, UBCK cần quy định về tỷ lệ cầm cố, quy trình quản lý rủi ro, điều khoản hợp đồng để khi phát sinh tranh chấp có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, repo là một trong những dịch vụ cần thiết trên TTCK vì nó hỗ trợ NĐT có thêm đòn bẩy tài chính và CTCK có điều kiện mở rộng dịch vụ. Rủi ro lớn nhất của nghiệp vụ này là biến động về giá và uy tín của người vay vốn. Theo ông Nam, sự tồn tại nghiệp vụ repo trên diện rộng cho thấy đây là nhu cầu có thật, UBCK nên cho phép chính thức triển khai và quy định rõ thế nào là repo, hướng dẫn quy trình triển khai cụ thể để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu như hiện nay.

Theo ghi nhận của ĐTCK, hiện dịch vụ repo ở nhiều CTCK vẫn mang dáng dấp của cho vay thế chấp, chứ không hẳn là hợp đồng tương lai nên rủi ro thường đẩy cho NĐT. Tại thời điểm ký hợp đồng repo, CTCK định giá cổ phiếu ở mức rất thấp so với thị giá. Trong thời hạn repo, nếu giá cổ phiếu xuống thấp thì NĐT phải nộp tài sản bổ sung hoặc CTCK được phép bán trước hạn để thu hồi vốn. Thị trường đang chờ sự cho phép và hướng dẫn nghiệp vụ này từ cơ quan quản lý.

Trần Trung
Trần Trung

Tin cùng chuyên mục