Renown - Công ty dệt may lớn nhất tại Nhật Bản tuyên bố phá sản

(ĐTCK) Công ty Renown Incorporated hoạt động tại Nhật Bản, công ty con của đế chế thời trang Trung Quốc Shandong Ruyi đã nộp đơn xin phá sản vào thứ Sáu (15/5) với khoản nợ 13,9 tỷ Yên Nhật (tương ứng 130 triệu USD).
Renown - Công ty dệt may lớn nhất tại Nhật Bản tuyên bố phá sản

Đây là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tại Nhật Bản đã tuyên bố phá sản trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Renown, một công ty dệt may lâu đời bán quần áo dưới các thương hiệu như Arnold Palmer, Hiroko Koshino và D’Urban, xác nhận họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi đóng cửa trong hơn 1 tháng dẫn tới hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Renown đã kéo dài danh sách doanh nghiệp phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhà bán lẻ J.Crew của Mỹ và nhà bán xa xỉ của Mỹ là Neiman Marcus với nguyên nhân đều do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

Renown trước đây thuộc sở hữu của Tập đoàn Aquascutum tại Anh, tuy nhiên đã báo cáo thua lỗ trong nhiều năm, sau đó Shandong Ruyi đã nhảy vào và làm cổ đông lớn tại Renown trong một thập kỷ tước.

Đầu năm nay, doanh nghiệp cho biết họ đang vật lộn để thu nợ hơn 5 tỷ Yên Nhật (tương ứng 45,2 triệu USD) từ công ty mẹ Trung Quốc. Các giám đốc điều hành hàng đầu gần đây cũng bị buộc phải rời khỏi hội đồng quản trị.

Tập đoàn Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực phải tái cấu trúc sau khi chi hàng tỷ USD để thực hiện một loạt các thương vụ thâu tóm nhãn hàng xa xỉ ở châu Âu, châu Á và kể cả thời trang của Pháp là SMCP và Aquascutum.

“Doanh thu của Renown đã giảm đáng kể sau tháng 3 khi chính phủ khuyên người dân nên hạn chế ra ngoài”, Renown cho biết trong thông báo mới đây.

Cho đến nay, hơn 140 công ty tại Nhật bản đã tuyên bố phá sản kể từ tháng 2 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tháng trước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19. Mặc dù không phải tất cả doanh nghiệp đều bị hạn chế kinh doanh như ở nhiều quốc gia khác, nhưng ở Nhật Bản các cửa hàng bách hóa và quán Bar đã phải đóng cửa.

Chính phủ đã tung ra một gói hỗ trợ bao gồm các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các cá nhân và các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù tung ra các gói hỗ trợ kinh tế nhưng một số nhà kinh tế đã cho rằng phản ứng của chính phủ là khá chậm chạp.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục