Rèn luyện bản lĩnh môi giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bản lĩnh của môi giới chứng khoán là dù thị trường tăng mạnh hay giảm sâu vẫn hỗ trợ khách hàng, đảm bảo hài hòa giữa cơ hội đầu tư tốt và quản trị rủi ro, từ đó góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân - Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, tâm lý đội ngũ cần vững vàng mới có thể nhanh nhẹn xử lý trước các biến động của thị trường. Chính vì vậy, rèn luyện bản lĩnh thị trường của môi giới phải thực hiện liên tục và ở SSI cũng vậy.

Thị trường đột ngột giảm mạnh phiên 19/1/2021 khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) hoảng loạn, đội ngũ SSI có gặp phải áp lực từ diễn biến này hay không?

Hoảng loạn chỉ xảy ra ở những khách hàng đang sử dụng đòn bẩy cao khi thị trường có phiên suy giảm mạnh. Đây là kinh nghiệm không mới nhưng vẫn thường xuyên lặp lại ở nhiều giai đoạn, ở nhiều NĐT.

Với SSI, bám sát và đưa ra các dự báo về thị trường được Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) thực hiện liên tục, giúp Công ty chủ động hơn trước các diễn biến. Những phiên điều chỉnh như 19/1/2021 đã được chuyên gia phân tích SSI cảnh báo sớm và lưu ý hàng ngày cho đội ngũ môi giới, từ đó tư vấn “canh chỉnh” danh mục khách hàng về điểm an toàn hơn.

“An toàn và hiệu quả” là thông điệp xuyên suốt trong các hoạt động của SSI, cũng là để đảm bảo an toàn cho chính khách hàng. Với kinh nghiệm thị trường và quan điểm quản trị rủi ro của SSI theo hướng “điều tiết”, linh hoạt giúp khách hàng tận dụng cơ hội tối đa nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối tỷ lệ an toàn theo quy định.

Khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân cũng phải phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên với bộ phận quản trị rủi ro và phê duyệt tài trợ để vận hành. Đó cũng là lý do, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng nở ra tới đâu thì SSI cung ứng tăng thêm tới đó, thay vì co hẹp cung cấp margin vì sợ rủi ro (nhất là quý cuối năm). Quý IV/2020, SSI có tốc độ tăng trưởng dư nợ margin lớn nhất trên thị trường 96% so với quý III/2020, lên mức 9.226 tỷ đồng. SSI tiếp tục có năm thứ 7 liên tiếp duy trì thị phần môi giới số 1.

Hầu hết các cổ phiếu đều đã tăng giá mạnh, đồng nghĩa việc tìm kiếm cơ hội đầu tư cho NĐT khó khăn hơn. Nhưng thực tế, đội ngũ môi giới SSI vẫn liên tục cập nhật và giới thiệu nhiều cơ hội tốt tới NĐT, nhờ đâu, thưa ông?

Thị trường tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản nằm ngoài dự đoán của các thành viên thị trường, nhưng ở thời điểm nào, thì cơ hội và rủi ro luôn đi song song với nhau. Điều quan trọng với một môi giới, là phải nhìn nhận thị trường từng thời điểm sẽ phù hợp với đối tượng NĐT nào, cách thức giải ngân ra sao, tỷ trọng tiền và cổ phiếu, cũng như chiến lược giao dịch nào phù hợp.

Đặc thù của môi giới là áp lực trong cả thị trường tăng trưởng mạnh hay giảm sâu. Mỗi khách hàng đều có gu đầu tư và mức độ chịu đựng rủi ro khác nhau, thị trường giảm thì tìm cách “củng cố” tâm lý khách hàng và có tư vấn kịp thời để hạn chế rủi ro; còn thị trường tăng thì tỉnh táo để “điều tiết” sự hưng phấn quá mức của khách hàng và tìm cơ hội đầu tư tốt nhất cho từng gu đầu tư. Nếu môi giới có thể “quản trị chủ động” trong mỗi tình huống thị trường như vậy, thì đó chính là bản lĩnh, là sự trưởng thành.

Với SSI, chẳng có bí quyết riêng gì đặc biệt, hoàn toàn đến từ đào tạo, rèn luyện trên nền tảng tôn trọng “hiệu quả” của khách hàng hơn nhu cầu “xoay vòng chứng khoán”. Hàng ngày, SSI Research, các đội môi giới cấp cao và bộ phận môi giới nói chung đều chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, những nhận định sâu sát về thị trường, đưa ra chiến lược, chiến thuật hợp lý để đội ngũ môi giới có thể “linh hoạt” tư vấn. Còn bản thân mỗi môi giới, ngay khi tiếp xúc khách hàng đã phải hiểu được gu của họ… từ đó có cơ sở tư vấn phù hợp.

Quan trọng hơn là rèn luyện bản lĩnh thị trường của đội ngũ tại mọi thời điểm. Tâm lý vững vàng mới có thể nhanh nhẹn xử lý trước các biến động của thị trường, từ đó truyền đạt đầy đủ, kịp thời, nhanh nhất tới khách hàng. Đó chính là yếu tố tiên quyết tạo sự khác biệt.

Các gói sản phẩm, dịch vụ của SSI được thiết kế ra sao để phục vụ NĐT trong bối cảnh mới?

SSI tiếp tục hoàn thiện bộ sản phẩm S-Products, và tận dụng xu thế công nghệ, đội ngũ môi giới để đưa các sản phẩm này đến số đông người quan tâm. Mục tiêu cuối cùng của SSI là trở thành nơi đón nhận và xử lý hiệu quả hầu hết các nhu cầu “sử dụng” tiền cho mục đích từ tiết kiệm đến đầu tư của nhiều đối tượng NĐT, với từng ngưỡng kỳ vọng khác nhau, tất nhiên, tương xứng với những mức rủi ro được nhận thức rõ ràng.

Việc thiết kế sản phẩm và huấn luyện đội ngũ tư vấn đều dựa trên tư duy linh hoạt chuyển đổi giữa các thời điểm đầu tư sao cho hiệu quả hơn hết đồng vốn của khách hàng. Có như vậy mới dần thay đổi nhận thức của NĐT về thị trường chứng khoán, nơi không chỉ có sự đánh đổi rủi ro để đạt lợi nhuận mà còn là nơi lựa chọn an toàn cho đồng vốn của người tham gia.

Phan Hằng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục