Red Bull lại bị kêu gọi tẩy chay trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Red Bull, loại nước tăng lực bán chạy nhất thế giới lại tiếp tục hứng chịu lời kêu gọi tẩy chay từ người dân Thái Lan gửi tới công dân toàn cầu.
Red Bull lại bị kêu gọi tẩy chay trên toàn cầu

Red Bull là loại đồ uống có công thức xuất phát từ nhà sản xuất đồ uống Thái Lan có tên Krating Daeng do Chaleo Yoovidhya sáng lập. Từ loại đồ uống địa phương, sau khi bắt tay cùng doanh nhân Dietrich Mateschitz người Áo, Red Bull đã trở nên nổi tiếng trên toàn cầu.

Yoovidhya và Mateschitz cùng thành lập Red Bull GmbH sản xuất và phân phối sản phẩm đồ uống thương hiệu Red Bull trên thế giới. Sự thành công của Tập đoàn đưa cả 2 doanh nhân này thành những tỷ phú.

Tuy nhiên, Red Bull từ niềm tự hào của người Thái vừa biến thành biểu tượng của bất bình đẳng xã hội tại đây và tạo động lực cho những cuộc biểu tình chống lại nhà cầm quyền. Cụ thể, cháu trai của Chaleo Yoovidhya - Vorayuth Yoovidhaya có liên quan tới một vụ đâm xe sau đó bỏ trốn, nhưng không bị xử phạt. Vụ án này được xem là ví dụ điển hình cho cách thức đối xử phân biệt của Thái Lan đối với những người giàu có.

“Cả thế giới hãy giúp chúng tôi tẩy chay Red Bull và các sản phẩm có liên quan. Cháu trai của người sáng lập đã được miễn mọi hình phạt tại Thái Lan”, vào giữa tháng 7, dòng trạng thái này được đăng tải trên Twitter. Sau đó hashtag “BoycottRedBull” (tẩy chay Red Bull) nhanh chóng lan rộng trên các mạng xã hội.

Vụ tai nạn xảy ra vào tháng 9/2012, chiếc Ferrari do Vorayuth cầm lái đã tông vào một cảnh sát đi xe máy đang qua đường. Vị cảnh sát này đã bị kéo lê trên đường và tử vong. Thời điểm đó, các nhân viên điều tra đưa ra thông tin, chiếc xe Ferrari đi với tốc độ khoảng 170km/h khi vụ tai nạn xảy ra. Các vết dầu loang và vết bánh xe dẫn tới nơi ở của Vorayuth. Sau đó, dấu vết của cocaine và cồn cũng được tìm thấy trên người Vorayuth – có biệt danh là “Boss”.

Khi quá trình điều tra đang diễn ra, một người làm thuê tại nơi ở của Vorayuth trình diện trước cảnh sát và nhận tội đã gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, việc dàn dựng này nhanh chóng bị phát hiện. Chỉ một thời gian ngắn sau, gia đình Vorauth đã bồi thường cho gia đình người bị nạn 100.000 USD.

Vorayuth Yoovidhaya và chiếc xe gây tai nạn

Vorayuth Yoovidhaya và chiếc xe gây tai nạn

Vorayuth bị bắt, nhưng nhờ nộp tiền bảo lãnh nên được tại ngoại. Anh ta từ chối trình diện tại tòa án, sử dụng máy bay riêng rời khỏi Thái Lan. Trong khoảng thời gian này, lối sống ăn chơi sa hoa của Vorayuth tại Anh bị công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đáng chú ý, việc Vorayuth xuất hiện tại đường đua công thức 1 (Formula One) để cổ vũ cho đội Red Bull càng thổi bùng ngọn lửa giận dữ.

Sự việc tạm lắng xuống sau vài năm, tuy nhiên vừa bùng phát trở lại khi vào ngày 24/7/2020 khi các cáo buộc đối với Vorayuth bị hủy bỏ. Theo đó, một số bằng chứng mới được công bố cho thấy chiếc Ferrari chỉ đi với tốc độ 70 km/h, vị cảnh sát đã đột ngột qua đường khiến tai nạn xảy ra.

Diễn biến mới nay lập tức tạo làn sóng phản đối. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Super Poll, 91% người tham gia khảo sát cho biết họ không tin vào hệ thống luật pháp Thái Lan và 82% cho rằng vụ tai nạn này là nỗi xấu hổ của quốc gia.

Áp lực đối với Red Bull ngày càng lớn hơn khi thông tin T.C Pharmaceutical Industries – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Red Bull tại Thái Lan có những khoản quyên góp rất lớn cho chính phủ Thái Lan.

Trong tháng 8, trước sức ép từ dư luận, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, ông không muốn công chúng mất lòng tin vào hệ thống luật pháp. Theo đó, các quyết định của cơ quan điều tra trước đây bị hủy bỏ. Một cuộc điều tra mới sẽ được tiến hành. Tới ngày 25/8, lệnh bắt đối với Vorayuth đã được chấp thuận.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục