Vững vị thế dẫn đầu thị trường thuốc kháng sinh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tình trạng đề kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Dự tính đến năm 2050, có khoảng 10 triệu người tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nhằm hạn chế những tác dụng không mong muốn, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán IMP) nhiều năm qua đã nỗ lực đầu tư bài bản vào dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh chất lượng cao với nguyên liệu theo công nghệ Enzymatic. Công nghệ này không sử dụng dung môi và hóa chất trong quá trình sản xuất, giúp thuốc kháng sinh của Imexpharm có những ưu điểm về độ tinh khiết, ổn định, an toàn cao cho bệnh nhân và thân thiện với môi trường…
Imexpharm sở hữu nhiều thuốc kháng sinh chất lượng cao, nổi bật với những đột phá trong nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất, mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị. Điển hình như Claminat (hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn tai-mũi-họng và hô hấp do vi khuẩn nhạy cảm), Bactamox (hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cộng đồng), Biocemet DT (trẻ em và người lớn nhiễm khuẩn hô hấp trên gặp khó khăn trong việc sử dụng thuốc) ...
Năm 2023, doanh nghiệp này dẫn đầu thị trường kháng sinh khi chiếm 9% thị phần với doanh số khoảng 2.113 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2022. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin, Penicillin chiếm hơn 70% giá trị tại thị trường Việt Nam cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.
Sau thời gian đầu tư đạt tiêu chuẩn EU-GMP, Công ty đã bắt đầu kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thuốc kháng sinh để tiếp cận thị trường châu Âu.
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy sản xuất thuốc chất lượng EU-GMP của Imexpharm. Nguồn: Imexpharm. |
“Từ năm 1977, Imexpharm xác định chiến lược đầu tư cho chất lượng, nghiên cứu và phát triển là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã liên tục đầu tư vào các nhà máy, dây chuyền sản xuất để ngày nay Imexpharm vươn mình trở thành công ty dược sở hữu cụm nhà máy EU-GMP lớn nhất Việt Nam với 3 nhà máy EU-GMP và 11 dây chuyền EU-GMP”, Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm, cho biết.
Lãnh đạo Imexpharm nhắc nhớ về cột mốc chuyển mình từ Xí nghiệp liên hiệp Dược Đồng Tháp trong đầu những năm 1980 đến khi chuyển đổi thành Công ty Dược phẩm Đồng Tháp. Năm 1997, Công ty đã đã đầu tư nhà máy Non-betalactam uống đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN đầu tiên của Việt Nam với sự hỗ trợ tư vấn của Tiến sĩ Hartmut Haulth, một chuyên gia hàng đầu Châu Âu về hệ thống Quản lý chất lượng và Công nghệ đến từ tập đoàn Sandoz – Thụy Sĩ.
Năm 1999, Công ty tiếp tục xây dựng nhà máy Betalactam uống đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN. Năm 2000, công ty xúc tiến hợp tác sản xuất nhượng quyền thành công với Tập đoàn đa quốc gia Biochemie Áo (Novertis- Sandoz hiện nay).
Từ năm 2001 đến nay, được đánh dấu bằng quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp, Imexpharm đã trở thành công ty đại chúng và đạt được những bước phát triển vượt bậc bằng chiến lược tiên phong trong phát triển công nghệ.
Năm 2023, Imexpharm đã dành 5% doanh thu cho các hoạt động R&D. Kết quả Imexpharm đã có 93 dự án nghiên cứu và phát triển, trong đó có 15 sản phẩm đã ra mắt thị trường. Đến tháng 7/2024, Công ty đã đăng ký thêm 11 EU MA và nâng tổng số EU MA công ty đang sở hữu lên con số 28 EU MA cho 11 sản phẩm.
Đẩy mạnh dược phát minh, tiến vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược hiện nay có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ. Imexpharm đã hợp tác với Genuone Sciences Inc., một công ty dược lớn đến từ Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch… Ngoài Genuone, Imexpharm đã trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của hàng loạt tập đoàn dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharma Science Canada, Sanofi - Aventis…
Imexpharm đã kí kết hợp tác với Genuone Sciences Inc., một công ty dược lớn đến từ Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch. Nguồn: Imexpharm. |
Với tầm nhìn này, Imexpharm đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm Non-antibiotic, và dự kiến xây dựng nhà máy IMP5 mới tại Khu Công nghiệp Quảng Khánh, Đồng Tháp. Bên cạnh các dạng bào chế truyền thống, Imexpharm có khả năng phát triển các dạng bào chế mới như đông khô, viên nén phân tán, thuốc bột đa liều… áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất dược phẩm; sản phẩm được giám sát chặt chẽ các tạp chất nguy hại khó kiểm soát như tạp Nitrosamine (gây ung thư), dung môi tồn dư và kim loại nặng.
Những chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho tầm nhìn đến năm 2030, khi Imexpharm đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gấp ba lần, tạo ra bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường toàn cầu, Việt nam và khu vực.
Tại Imexpharm hiện nay, 80% nhân sự trình độ đại học trở lên, trong đó có 4 Thạc sĩ dược, dược sĩ chuyên khoa I và 1 Tiến sĩ dược (tốt nghiệp ở Pháp). Ngoài các thiết bị nghiên cứu bào chế, Imexpharm cũng đầu tư phòng lab dành riêng cho công tác kiểm nghiệm sản phẩm nghiên cứu, với các máy móc công nghệ tiên tiến, phân tích chuyên sâu, do đó chất lượng sản phẩm được tiếp cận ngay từ giai đoạn thiết kế nghiên cứu. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư và áp dụng WHO Good Practices for Research and Development Facility vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Từ kinh nghiệm của mình, theo lãnh đạo của Imexpharm, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cụ thể là dược phẩm. “Chúng tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực”, lãnh đạo của Imexpharm cho biết.