RCEP sắp có hiệu lực, Trung Quốc có thể trở thành "đầu tàu phục hồi" trong khối thương mại tự do lớn nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đánh dấu sự kết thúc đáng chú ý cho năm 2021 và mở ra nhiều không gian về triển vọng thương mại của Trung Quốc cũng như các thành viên khác của hiệp định thương mại.
RCEP sắp có hiệu lực, Trung Quốc có thể trở thành "đầu tàu phục hồi" trong khối thương mại tự do lớn nhất

Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đánh dấu sự hình thành của khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về khối lượng thương mại. Một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hiệp định sẽ có hiệu lực trong đợt đầu tiên gồm 10 quốc gia, trong đó gồm 6 thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Ren Hongbin, việc triển khai thị trường chung thống nhất theo hiệp định RCEP sẽ bù đắp những tổn thất do tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra đối với nền kinh tế và tăng cường niềm tin của các ngành và doanh nghiệp vào hoạt động thương mại và đầu tư.

Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP của thế giới.

Tổng cộng có 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã ký hiệp định RCEP vào năm 2020, bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Đây cũng là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, lớn hơn các hiệp thương mại khu vực khác như EU và Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Cho đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thực hiện 174 mặt hàng riêng lẻ hoặc chung, chiếm 24,8% trong số 701 nghĩa vụ ràng buộc theo RCEP.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể trở thành đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi thực hiện RCEP do tình hình đại dịch sẽ giảm bớt vào năm 2022.

Zhao Gancheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết: “Cánh cửa vào thị trường Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa vào năm 2022, với những nỗ lực mở rộng các khu vực thương mại tự do. Trung Quốc đang chuẩn bị tốt để trở thành động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm tới”.

Theo ông Zhao Gancheng, Hiệp định RCEP có thể dẫn đến hợp tác kinh tế cấp cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc như đầu tư lẫn nhau vào các ngành như chip và máy điện. Samsung Electronics có thể tăng cường đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như chip.

Bên cạnh đó, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN và Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phát triển chặt chẽ hơn, với việc Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu nhiều nông sản từ các thành viên ASEAN hơn trong khi xuất khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn. Ông Zhao cho biết, việc giảm thuế đối với các mặt hàng cồng kềnh như thép cũng sẽ làm giảm chi phí cho các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết, hiệp định RCEP dự kiến ​​sẽ loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa được trao đổi giữa các bên ký kết trong 20 năm tới. Và đối với Trung Quốc, thuế quan đối với gần 30% hàng hóa xuất khẩu của nước này dự kiến ​​sẽ được gỡ bỏ theo thỏa thuận RCEP.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, thương mại của Trung Quốc với các thành viên RCEP đã tăng 3,5% lên 10,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,6 nghìn tỷ USD) vào năm 2020, chiếm khoảng 1/3 tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục