Rau quả tiếp tục tìm đường mở rộng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù có đà tăng trưởng mạnh mẽ, song thị trường xuất khẩu rau quả vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong khi ở một số thị trường lớn khác như EU thì thị phần còn rất thấp.
Rau quả tiếp tục tìm đường mở rộng thị trường

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng khả quan, trị giá xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023.

Triển vọng cho mặt hàng này trong năm 2024 rất lớn, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng lớn từ các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho biết, hiện thị trường chính của ngành hàng này vẫn là Trung Quốc. Tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 149%, tăng 2,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm đến 66% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.

Trong khi đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị phần mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu tại EU, dù đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 150 tỷ USD.

Ông Nguyên nhận định, EU là thị trường quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục. Nếu xuất khẩu thành công vào thị trường này thì sẽ dễ dàng mở rộng sang các thị trường khác.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T nhìn nhận, năm 2024 có thể là năm đột phá của ngành hàng trái cây khi nhiều mặt hàng đã nhận được tín hiệu tốt từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, EU…

“Đây đều là những thị trường tiềm năng với dư địa rất lớn để mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”, ông Mười nói.

Điều này thể hiện rõ khi trong những ngày đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường lớn và tiềm năng như lô xoài tượng da xanh của huyện Chợ Mới (An Giang) xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Australia; Công ty cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu tiên của năm sang Nhật Bản ngày 15/2; tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài hạt lép sang thị trường Hàn Quốc ngày 19/2...

Xuất khẩu sang các thị trường mới luôn đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là khi ngành hàng rau quả muốn tấn công vào thị trường EU, nơi áp dụng những tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe cho mặt hàng thực phẩm.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, hiện thị trường lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là Trung Quốc, các thị trường như Mỹ, Australia, Canada... dù đã “bẻ khóa” thành công, song vẫn chưa phải thị trường chính.

Theo bà Vy, khó khăn của doanh nghiệp Việt khi muốn thâm nhập vào các thị trường này trước hết nằm ở vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn, bởi các yêu cầu xuất khẩu ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, vấn đề chi phí vận chuyển, logistics cũng là rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.

“Đối với thị trường Trung Quốc ở ngay sát bên thì vận chuyển rất thuận lợi và nhanh chóng, còn nếu xuất khẩu qua những thị trường ở xa như EU, Mỹ... thì doanh nghiệp phải tính toán kỹ càng về giá cước vận tải, đặc biệt ở những thời điểm giá tăng cao đột ngột như vừa qua. Đồng thời, vận chuyển xa, thời gian kéo dài cũng ảnh hưởng tới sự tươi mới của rau quả”, bà Vy cho hay.

Để nâng cao uy tín thương hiệu, Công ty Chánh Thu tiên phong xây dựng các mô hình theo chuẩn GlobalGap, VietGap, FSSC 22000… Đầu tiên là áp dụng cho trái chôm chôm và tiếp tục thực hiện trên các loại trái cây khác.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đầu tư để chuẩn hóa mẫu mã, đầu tư công nghệ mới trong bảo quản, thành công với trái sầu riêng đông lạnh và một số sản phẩm khác.

Với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty cho rằng, thị trường rau quả Việt Nam muốn tăng trưởng tốt thì phải mở cửa nhiều mặt hàng.

Mới đây, Hoàng Phát Fruit cùng Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Tín Tâm đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ 500 tấn xoài hạt lép và cung ứng vật tư đầu vào cho các thành viên hợp tác xã trong năm 2024.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều lợi thế về hàng rào thuế quan, đặc biệt tại thị trường EU với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nguyễn Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục