Rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tại Việt Nam

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trao đổi về các động lực chính cho sự tăng trưởng cao của Việt Nam, cùng với các cơ hội đầu tư công, khu vực tư nhân và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% hoặc cao hơn cho năm nay, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số kể từ năm tới. Theo bà, đâu sẽ là những động lực giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này?

Trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, đạt 8% trở lên và tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi, các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể cân nhắc mở rộng đầu tư công cũng như hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Trên thực tế, ở Việt Nam, không gian tài khóa hiện khá tốt, cho phép đầu tư hạ tầng thiết yếu đối với các dịch vụ cốt lõi như giao thông - vận tải, hậu cần, năng lượng và công nghệ thông tin. Việc cải thiện trong quản lý đầu tư công sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

Đầu tư công chiến lược vào các dịch vụ cốt lõi sẽ thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, đặc biệt là khi đi kèm với các cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Như bà vừa nói, tăng đầu tư công được coi là một trong những giải pháp then chốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và thu hút thêm đầu tư tư nhân. Bà nhìn thấy những cơ hội nào cho các nhà đầu tư tư nhân và những thách thức nào vẫn đang tồn tại?

Với triển vọng kinh tế đầy hứa hẹn của Việt Nam, các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều cơ hội. Theo quan điểm của chúng tôi, khi Việt Nam tìm cách đạt được tăng trưởng bền vững và vị thế thu nhập cao, thì cần tiếp tục thúc đẩy cải cách cơ cấu trong lĩnh vực giáo dục và môi trường kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.

Đồng thời, nâng cấp các hoạt động có giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Việc giảm cường độ carbon trong sản xuất của Việt Nam cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Chính phủ Việt Nam coi khu vực tư nhân là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Bà bình luận gì về tầm nhìn này? Theo bà, những chính sách nào cần được áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân?

Khu vực tư nhân chắc chắn là một yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Thành công về kinh tế của Việt Nam phần lớn là nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu, được thúc đẩy bởi các công ty tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 90% GDP vào năm 2024. Trong thập kỷ vừa qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tục đầu tư khoảng 20-25 tỷ USD mỗi năm và tạo ra hàng triệu việc làm, trong đó việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu chiếm 54%.

Trong nước, đầu tư tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và năm ngoái đã đóng góp 62% vào mức tăng trưởng tổng đầu tư (7,2%), nhưng vẫn thấp hơn mức đóng góp trước thời kỳ Covid-19 là 80%.

Để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, có thể xem xét một số lựa chọn chính sách bổ sung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh bằng cách giảm bớt gánh nặng hành chính và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng suất cao.

Thứ hai, tăng cường liên kết và lan tỏa năng suất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp còn lại của nền kinh tế.

Thứ ba, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động.

Thứ tư, dựa trên các cải cách gần đây, các cơ quan chức năng có thể thực hiện các chính sách bổ sung để tăng cường hơn nữa sự ổn định của khu vực tài chính. Đặc biệt, các cơ quan chức năng có thể khuyến khích các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và củng cố khuôn khổ thể chế, nhằm đưa ra các biện pháp giám sát thận trọng và can thiệp sớm.

Theo dự báo mới nhất của WB, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ vẫn ổn định ở mức giải ngân trung bình khoảng 25 tỷ USD/năm - phản ánh sức hấp dẫn liên tục của Việt Nam đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Bà hãy giải thích thêm về dự báo này?

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất của WB cho Việt Nam, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực, với dòng vốn trung bình chiếm 4,6% GDP - vượt qua tất cả các quốc gia được so sánh khác vào năm 2022.

Dòng vốn này chủ yếu hướng đến lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Với sự ổn định kinh tế vĩ mô, độ mở thương mại và mối quan hệ thương mại đã được thiết lập với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, ASEAN và Trung Quốc, cùng với những nỗ lực liên tục của Việt Nam nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nền kinh tế đang phát triển quan trọng, chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp theo trong trung hạn.

Thành Đạt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục