Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp của 2 khu công nghiệp nêu trên tại TP. HCM, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản đã đề nghị các cơ quan chức năng hối thúc các công ty bảo hiểm tiến hành giám định và bồi thường nhanh chóng. Theo tìm hiểu của ĐTCK, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đều tham gia bảo hiểm cho các doanh nghiệp tại những khu công nghiệp của Bình Dương và Đồng Nai.
Đại diện Tổng công ty Bảo Việt cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ gây rối, Tổng công ty đã cử đoàn công tác tới hiện trường, chỉ đạo các công ty thành viên liên lạc, thăm hỏi khách hàng trong khu vực bị tổn thất, nắm bắt thông tin về thiệt hại và hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục cần thiết để phục vụ việc giải quyết chi trả bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.
Tính tới thời điểm này, Bảo hiểm Bảo Việt ước tính có 123 đơn bảo hiểm bị ảnh hưởng; trong đó, có 63 đơn bảo hiểm thiệt hại về tài sản và 60 đơn thiệt hại liên quan đến xe cơ giới, chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ước tính thiệt hại ban đầu về tài sản là 188 tỷ đồng, về xe cơ giới là 4,3 tỷ đồng. Đối với các thiệt hại phức tạp và có giá trị lớn, Bảo hiểm Bảo Việt đã mời các công ty giám định độc lập, uy tín tiến hành giám định bồi thường. Qua đó, khách hàng đã hợp tác chặt chẽ và đánh giá cao việc xử lý nhanh chóng, phối hợp và hỗ trợ tận tình của Bảo hiểm Bảo Việt cũng như các đối tác của Bảo hiểm Bảo Việt (giám định viên và giám định độc lập).
Bảo hiểm Bảo Minh cũng có khá nhiều khách hàng là doanh nghiệp bị tổn thất trong vụ việc vừa qua, giá trị tổn thất ước tính sơ bộ cũng lên tới nhiều tỷ đồng.
Bảo hiểm Liberty cũng tham gia bảo hiểm tài sản và xe cơ giới cho các doanh nghiệp tại hai khu công nghiệp nêu trên. Sau vụ gây rối vừa qua, Liberty đang xác định bồi thương cho 8 xe ô tô và 3 nhà xưởng bị đập phá.
Trong khi đó, Bảo hiểm Fubon và Bảo hiểm Cathay tại Việt Nam cũng đã có những thống kê về con số tổn thất. Bảo hiểm Cathay tham gia bảo hiểm tài sản và bảo hiểm xe cơ giới, nhưng bảo hiểm tài sản bị thiệt hại nhiều nhất. Con số đền bù chưa được Cathay công bố, vì còn phải thống nhất với các công ty giám định bảo hiểm. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho biết, tổn thất của Cathay không quá lớn, vì Công ty đã tái bảo hiểm phần lớn cho các nhà tái. Còn Bảo hiểm Fubon, con số đền bù cũng đáng kể, vì các doanh nghiệp Đài Loan là khách hàng chủ lực của công ty này.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, tổng thiệt hại mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải chi trả trong vụ việc vừa qua vào khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, con số này mới chỉ là ước tính sơ bộ của thiệt hại tài sản nhìn thấy được, còn những tổn thất do gián đoạn kinh doanh (doanh nghiệp bị ngưng trệ sản xuất, không giao hàng đúng tiến độ, hoặc phải đền hợp đồng cho khách hàng…) thì vẫn chưa thể thống kê hết.
Song song với việc hoàn tất thống kê những thiệt hại ban đầu để có thể nhanh chóng bồi thường một phần thiệt hại cho các khách hàng trong tuần này, các ban nghiệp vụ của các công ty bảo hiểm đang tiếp tục trao đổi về các điều khoản áp dụng cho việc bồi thường doanh nghiệp. Bởi lẽ, như đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, việc thu thập thông tin và xét giải quyết bồi thường của những vụ việc lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, cần cả sự hợp tác của cả người được bảo hiểm và cơ quan chức năng trong việc thu thập hồ sơ; sự phối hợp của doanh nghiệp bảo hiểm với các nhà tái bảo hiểm nếu có và các yếu tố khách quan khác.