Mặc dù năng lượng tái tạo đang là xu hướng, song do cơ chế giá chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo tín dụng, trái phiếu năng lượng rơi vào vết xe đổ như tín dụng giao thông.
Năng lượng hút tỷ USD: Ngân hàng, nhà đầu tư nhỏ tham gia cuộc chơi
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, đứng đầu là Trung Nam Group, tiếp đó là Điện Gia Lai (GEG), Bamboo Capital… Lãi suất cao (9,5-11%/năm) khiến các lô trái phiếu của doanh nghiệp năng lượng phát hành đều cháy hàng.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam và một số công ty chứng khoán, 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp năng lượng đã huy động gần 22.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Lĩnh vực năng lượng đứng thứ ba về giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, khi làn sóng lập dự án năng lượng tái tạo vẫn chưa dừng lại, bất chấp sự thiếu rõ ràng của chính sách.
Theo ước tính của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, nhu cầu vốn để thực hiện dự án năng lượng tái tạo trong vòng 3-5 năm tới là 50-70 tỷ USD. Với quy mô khổng lồ này, hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng và chủ đầu tư phải gọi vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp là đương nhiên.
Vài năm trở lại đây, rất nhiều ngân hàng đã tham gia cho vay các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tín dụng xanh. Tuy nhiên, do quy mô các dự án lớn, vòng đời dự án lên tới 15-20 năm, trong khi nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng có hạn, nên việc “giảm tải” tín dụng, đẩy sang kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng là hợp lý.
Tuy vậy, trong khi ngân hàng thẩm định rất kỹ các dự án năng lượng tái tạo, thì nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu nhìn vào lãi suất.
Trên thực tế, trái phiếu năng lượng đang có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ chủ trương thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của các dự án năng lượng tái tạo trong khi chính sách giá chưa rõ ràng đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, từ đó gây rủi ro đến dòng vốn tài trợ của ngân hàng và các nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư khi rót tiền nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp năng lượng, điều cần quan tâm nhất là doanh nghiệp đó đã ký được thỏa thuận về giá với EVN hay chưa, nếu chưa ký, sự đảm bảo của dòng tiền trả nợ là rất khó.
Làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ khi có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo xuất hiện. Ảnh: Đ.T. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Liệu có rơi vào vết xe đổ?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, tín dụng năng lượng tái tạo hiện chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chưa có dấu hiệu đáng lo. Đây cũng là lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh.
Tuy nhiên, chính sách về giá với năng lượng tái tạo chưa rõ ràng đang tiểm ẩn rủi ro lớn cho các ngân hàng.
Theo MB, các dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam có quy mô phù hợp với năng lực chính của doanh nghiệp, nên số lượng doanh nghiệp tham gia rất đông, tạo sự sôi động cho thị trường. Trong 3 năm qua, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, tốt cho cả nhà đầu tư và định chế tài chính.
Thế nhưng, hàng loạt dự án điện gió quy mô khoảng 7 tỷ USD đã không thể kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11. Nguyên nhân là giải phóng mặt bằng chậm, khó vận chuyển thiết bị về Việt Nam, chuyên gia ngoại không thể nhập cảnh… Ngân hàng đang “chơi vơi” với các dự án này.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB, dù tín dụng xanh, năng lượng xanh đang được khuyến khích, song chính sách ưu đãi khi ngân hàng tham gia cho vay vẫn chưa có.
Tương tự, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, để khuyến khích ngân hàng thương mại đẩy mạnh tài chính xanh, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra một số ưu đãi về room tín dụng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng xanh…
Đặc biệt, các ngân hàng và doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn, Bộ Công thương sớm đưa ra cơ chế rõ ràng về cơ chế giá điện, giảm rủi ro cho ngân hàng, nhà đầu tư và chủ đầu tư các dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế giá điện chưa rõ ràng là rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp năng lượng, cũng như với ngân hàng và chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
Chính sách giá điện chưa rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo nản lòng. Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex cảnh báo, hướng tiếp theo của thị trường năng lượng đang có sự tương đồng như giao thông: hậu chạy đua là đến giai đoạn trầm lắng, khi doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt quy định khắt khe, biên lợi nhuận giảm và có thể có nhà đầu tư bỏ cuộc.
Với các Dự án điện gió, chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao. Đây là ảnh hưởng khách quan bởi Covid-19 (giãn cách xã hội lan rộng), khiến các Dự án chịu ảnh hưởng tối thiểu 4 tháng, song giờ vẫn chưa có chính sách cụ thể. Cứ mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không có lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các Dự án chưa có COD. Như vậy, cần có tháo gỡ để các Dự án này sinh ra dòng tiền, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và các nhà đầu tư có bức tranh tài chính sáng sủa.
- Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB