Năng lượng tái tạo còn dư địa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực “năng lượng xanh” còn rất lớn khi Chính phủ định hướng cắt giảm những nguồn điện gây ô nhiễm.
Năng lượng tái tạo còn dư địa lớn

Dư địa lớn

Cuộc đua giá FIT với các dự án điện gió đã khép lại từ ngày 31/10/2021, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trên thị trường điện năng lượng tái tạo. Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE) là một trong số đó.

Theo ông Nguyễn Quang Quyền, Phó tổng giám đốc REE, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trở lại, tình trạng dư thừa điện trong hai năm qua sẽ không còn tồn tại trong 1 - 2 năm tới. Trong 3 - 4 năm tiếp theo, nếu không đầu tư mới sẽ tái diễn tình trạng thiếu hụt điện như giai đoạn trước đại dịch, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.

“Chính phủ hiện không khuyến khích đầu tư điện than, trong khi ở miền Bắc, loại hình này đang chiếm chủ yếu. Chắc chắn từ quý IV/2021 đến năm 2023, khu vực này sẽ thiếu điện”, ông Quyền dự báo.

Thực tế, các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp điện cho miền Bắc khi nhiều tỉnh, thành phố thiếu nguồn, phụ tải tăng cao trong giai đoạn tháng 5 - 6/2021. Điều này cũng góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 - 2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương trình Chính phủ, tỷ trọng đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện sẽ tăng mạnh trong tương lai, chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045. Trong đó, điện gió và điện mặt trời sẽ là động lực chính, trong khi điện sinh khối và thủy điện nhỏ (công suất dưới 30 MW) sẽ chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Quan điểm chủ đạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là giảm điện than, khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần đảm bảo hiệu quả, cân đối hệ thống. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644 MW. Trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.

Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối nghiên cứu toàn cầu HSBC đánh giá, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất về phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.

Nhận định được đưa ra từ FiinRatings, trong trung và dài hạn, ngành năng lượng tái tạo có triển vọng tương đối tốt do nhu cầu điện tại Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, lên đến 8 - 9%/năm.

Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư

Cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện điện năng lượng mặt trời, điện gió, đặc biệt là cơ chế giá FIT - cố định giá mua điện trong vòng đời dự án, đảm bảo lợi nhuận ổn định và hấp dẫn cho các dự án điện năng lượng tái tạo – đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhảy vào khai thác “miếng bánh” thị trường này trong thời gian qua.

Sự tăng trưởng quá nóng của điện năng lượng mặt trời, trong khi hạ tầng đường dây truyền tải chưa được đầu tư đồng bộ, cộng với việc nhu cầu năng lượng giảm sút trong đại dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng phải “xả bỏ” công suất, giảm huy động lên lưới điện diễn ra tại Tây Nguyên, Bình Thuận và Long An trong một số thời điểm. Song không vì thế mà sức nóng của thị trường năng lượng tái tạo giảm đi.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ngành năng lượng và khoáng sản chỉ đứng sau bất động sản và ngân hàng về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với 21.900 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã GEG) đã huy động thành công 700 tỷ đồng trái phiếu nhằm tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp. Trước đó, vào tháng 4/2021, GEG cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm. Các gói trái phiếu này nhằm tập trung nguồn lực để đưa vào vận hành thương mại 3 nhà máy điện gió và cơ cấu lại các khoản nợ để tối ưu chi phí tài chính.

Năm 2021, mảng điện gió của GEG, với 3 dự án tại Bến Tre, Gia Lai và Tiền Giang chính thức ghi nhận doanh thu, dự kiến đóng góp tỷ trọng khoảng 12% trong cơ cấu doanh thu điện của Công ty. Tổng sản lượng kế hoạch GEG dự kiến đạt 371,7 triệu kWh, trong đó thủy điện chiếm 190,5 triệu kWh, còn lại là điện mặt trời.

Trong tháng 11/2021, Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) đã phê duyệt phương án chào bán 5 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, với tổng mệnh giá tối đa 500 tỷ đồng.

Thời điểm phát hành là quý IV/2021 hoặc quý I/2022. Theo kế hoạch, vốn huy động được từ đợt phát hành này sẽ được Bamboo Capital dùng để bổ sung vốn lưu động, tài trợ các dự án điện mặt trời, điện áp mái, dự án bất động sản cũng như đáp ứng kế hoạch M&A.

Công ty dự kiến sử dụng 247 tỷ đồng cho Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 vay, số tiền 253 tỷ đồng còn lại cho vay tại Công ty cổ phần BCG Wind Sóc Trăng.

Doanh thu cả năm 2021 của BCG được dự báo tăng trưởng ở mức 231,7%, riêng doanh thu mảng năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương) và CG Energy (công ty con của Bamboo Capital) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cụ thể là điện mặt trời.

Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng BCG có tiềm năng lớn để mở rộng thị phần trong tương lai do kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mạnh mẽ. Đáng chú ý, BCG đang chuẩn bị đầu tư một chuỗi dự án năng lượng tái tạo, với công suất đạt 1,5 GW vào năm 2023, dự kiến sẽ chiếm 5% tổng thị phần vào năm 2030.

Tập đoàn bất động sản Hà Đô (mã HDG) cũng tỏ rõ tham vọng với mảng năng lượng tái tạo khi mở rộng danh mục đầu tư sang các dự án điện gió và điện mặt trời. Vào tháng 3/2020, HDG đã tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam từ 10 tỷ đồng lên 455 tỷ đồng để đầu tư dự án điện gió 7A Thuận Nam.

Đến tháng 7/2021, HDG quyết định bỏ 1.199,6 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Năng lượng Hà Đô, HDG hiện chiếm 99,97% vốn điều lệ công ty mới, cho thấy chiến lược phát triển năng lượng ngày càng rõ của HDG.

Trở lại với câu chuyện tiếp tục đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo của REE, ông Nguyễn Quang Quyền tiết lộ, Công ty sẽ tìm kiếm mua lại những dự án bị trễ thời hạn vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/10/2021 (hạn chót để hưởng chính sách giá FIT) và những dự án đã được quy hoạch.

Được biết, ba nhà máy điện gió của REE gồm Trà Vinh - 48 MW, Lợi Hải 2, Phú Lạc 2 đã được công nhận vận hành thương mại từ đầu tháng 11/2021. Dự kiến, các nhà máy này sẽ đóng góp khoảng 10% lãi ròng vào tổng cơ cấu lợi nhuận của Công ty trong năm 2022.

Từ năm 2019, REE đã tham vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu vượt mốc 1.000 MW trong 5 năm tới.

SSI Research cho biết, đến thời điểm này, REE có 102 MWp điện áp mái, giá FIT là 8,38 cent/kWh, ước tính đem lại khoảng 82 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021.

Với định hướng tập trung với những dự án điện mặt trời áp mái, dù phải mất thời gian tìm kiếm và khai thác khách hàng là các khu công nghiệp, quá trình đầu tư chậm hơn do phải chờ giá điện của Chính phủ, REE vẫn cho rằng sẽ không có rủi ro.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục