Rắc rối đại hội lần đầu của Dệt may Gia Định

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) lần đầu sau cổ phần hóa của CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) ngày 16/7 không thành công, dù đại diện cổ đông có quyền biểu quyết tham dự lên tới 99,43%.
Rắc rối đại hội lần đầu của Dệt may Gia Định

Giấy ủy quyền dự họp phải theo mẫu của Công ty

Giditex tiền thân là Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định, thuộc sở hữu nhà nước, được cổ phần hóa theo quyết định của Uỷ ban nhân dân TP. HCM.

Ngày 16/7, Ban tổ chức ĐHCĐ Giditex bắt đầu đón tiếp cổ đông từ 9 giờ, nhưng tới hơn 11 giờ, công việc kiểm tra tư cách cổ đông vẫn chưa xong, chủ yếu là do Ban tổ chức phải đối chiếu văn bản, thông tin của cổ đông trong các trường hợp ủy quyền dự họp. Có trường hợp 1 cổ đông ủy quyền cho 2 người tham dự. Có trường hợp tranh cãi khá lâu khi giấy ủy quyền không được Ban tổ chức chấp nhận do không theo mẫu của Công ty.

“Tôi có giấy ủy quyền mang tính toàn phần, thực hiện tất cả các công việc của cổ đông, trong đó có quyền dự họp, quyền thảo luận, quyền nhận cổ tức…, tại sao Công ty lại không cho tôi dự họp?”, một người được ủy quyền thắc mắc.

Ông Đào Xuân Đức, thành viên Ban tổ chức đại hội cho rằng, Giditex chưa là công ty cổ phần, chưa có cổ đông, không có cổ phần nào để các cổ đông có thể ủy quyền như vậy.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đặng Thị Thúy Dung, Phó tổng giám đốc Giditex cho biết, Giditex quy định người được ủy quyền tham dự ĐHCĐ phải có bản gốc giấy đăng ký dự họp/giấy ủy quyền theo mẫu của Công ty là dựa trên Luật Doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu kỹ thông tin liên quan thì mời liên lạc với Ban chỉ đạo cổ phần hóa Giditex là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Thu Hà, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, cần phân biệt hai hình thức ủy quyền dự họp và ủy quyền toàn phần. Đối với giao dịch ủy quyền dự họp, do chỉ mang tính tạm thời và có thể thay đổi tại mỗi cuộc họp ĐHCĐ nên người được ủy quyền dự họp cần có giấy ủy quyền dự họp theo mẫu của công ty. Còn với hình thức ủy quyền mang tính toàn phần thì phạm vi ủy quyền lớn hơn nhiều, bao gồm quyền quản lý và định đoạt cổ phần, nhận cổ tức, tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ, tra cứu, trích lục thông tin…

“Nhưng dù là hình thức nào thì người nhận ủy quyền vẫn có quyền tham dự cuộc họp ĐHCĐ như là một cổ đông đang nắm giữ cổ phần thực sự của công ty”, luật sư Hà nói.

ĐHCĐ lần đầu của Giditex cuối cùng đã thất bại, dù đại diện cổ đông có quyền biểu quyết tham dự lên tới 99,43%, bởi các báo cáo và tờ trình đều không được thông qua do đa số cổ đông tiến hành phủ quyết, nhất là cổ đông chiến lược đến từ các quỹ đầu tư và các công ty may mặc (tỷ lệ thông qua các báo cáo và tờ trình chỉ đạt trên 49%, trong đó có đại diện của cổ đông nhà nước). 

Chậm tiến độ đăng ký giao dịch trên UPCoM

Giditex dự kiến tổ chức lại ĐHCĐ vào ngày 1/8 tới. Việc này làm kéo dài thời gian lên sàn UPCoM, mà theo phản ánh của nhiều cổ đông là đã bị chậm tiến độ theo quy định pháp lý. Cụ thể, ngày 9/5/2016, Giditex đã hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Theo quy định về thời hạn tổ chức ĐHCĐ lần đầu sau cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP (phải hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần), ĐHCĐ lần đầu của Giditex phải được tổ chức trước ngày 9/6, nhưng đến ngày 16/7 mới được thực hiện.

Sự chậm trễ này kéo theo sự chậm trễ lên sàn UPCoM của Giditex (theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

Bức xúc trước sự chậm trễ trên, ngày 18/7, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hà Nội, sở hữu gần 5% vốn điều lệ Giditex đã gửi văn bản đến Ban chỉ đạo cổ phần hóa Giditex đề nghị đẩy nhanh việc tổ chức ĐHCĐ lần đầu, thay đổi giấy đăng ký kinh doanh và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông góp vốn, tăng tính minh bạch của một doanh nghiệp nhà nước sau IPO.

Tại ĐHCĐ ngày 16/7, đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 12,8% cổ phần đã đặt dấu hỏi về thái độ hợp tác của Ban lãnh đạo Giditex đối với các cổ đông bên ngoài doanh nghiệp, đồng thời đặt dấu hỏi về tính minh bạch của doanh nghiệp.

“Từ khi mua cổ phần đến khi ĐHCĐ lần đầu, chúng tôi không được Giditex cung cấp thông tin. Có cổ đông lớn đã hai lần gửi văn bản đề nghị tiếp xúc với Ban lãnh đạo Giditex để tìm hiểu phương án kinh doanh, chiến lược hoạt động của Công ty, nhưng đều không nhận được hồi âm. Hai nhà đầu tư cá nhân khác đề nghị trực tiếp gặp gỡ Ban lãnh đạo Công ty để trao đổi về quá trình chuẩn bị ĐHCĐ, nhưng cũng bị từ chối”, một cổ đông chia sẻ. 

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục