Quyết toán ngân sách 2018: Bội chi giảm không thực sự do tiết kiệm chi

Bội chi năm 2018 giảm 50.889 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo giải trình. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo giải trình.

Với đa số phiếu thuận, chiều 18/6 Quốc hội đã thông qua nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng , vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.

Tại nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2018 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay.

Theo Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù số bội chi năm 2018 thấp hơn dự toán bội chi ngân sách nhà nước là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP, giảm 50.889 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định, song ý kiến trên là xác đáng.

Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Quá trình thảo luận cũng có ý kiến đại biểu nhận xét: tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước còn chưa cao, việc báo cáo xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội nhiều năm chậm trễ, mức độ xử lý chủ yếu là kiểm điểm, phê bình, ảnh hưởng đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến trên và nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách là cần thiết để công khai, minh bạch trong xử lý sai phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách.

Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị Kiểm toán nhà nước còn chưa triệt để, chưa tổng hợp báo cáo số thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán lũy kế để phản ánh đúng tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, việc báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của Chính phủ các năm chậm, kỳ họp này đến ngày 9/6/2020 mới báo cáo.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội lũy kế kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước khi trình quyết toán. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo để khắc phục tình trạng gửi báo cáo chậm và cũng cần quan tâm đến mức độ xử lý để đảm bảo nghiêm minh trong quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục