Động lực cho nhà đầu tư
Những ngày cuối năm 2023, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối cùng của năm cũ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội, bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã quan tâm và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bức thư này, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước 2 quyết sách được ban hành đồng thời và rất kịp thời, cho rằng đây là một động lực để nhà đầu tư lớn ở nước ngoài tiếp tục yên tâm đầu tư, cam kết đầu tư lâu dài và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
“Đó là mục tiêu mà chúng ta nhắm đến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hai quyết sách khiến các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Nghị quyết này, theo Chủ tịch Quốc hội, là “đã rất kỳ công và rất cẩn trọng, cân nhắc…”.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị, cho đến tận phiên họp tháng 10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vẫn đề nghị chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Lý do là hồ sơ dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong khi 2 nghị quyết này cần xem xét, thông qua cùng một thời điểm.
Nhưng, ngày 2/11/2023, Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ sáu, bổ sung việc xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đồng thời, trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tán thành chủ trương cho phép dùng nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu này và các nguồn vốn hợp pháp khác để thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư đối với những lĩnh vực và những đối tượng cần khuyến khích đầu tư.
“Trong giai đoạn cạnh tranh, cơ cấu lại các chuỗi cung ứng cũng như các dòng đầu tư như hiện nay, thì quyết sách của chúng ta phải nói là rất tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận.
Đó chỉ là một trong nhiều quyết sách từ nghị trường được ban hành rất kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chỉ tính riêng Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
“Việc Quốc hội tiếp tục cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với 21 dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm cũng góp phần giải tỏa những ách tắc, những khó khăn và tạo ra xung lực phát triển. Không phải ngẫu nhiên, mà 100% đại biểu Quốc hội tán thành với nghị quyết này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thêm một điểm tựa mới cho nền kinh tế.
Cụ thể, Quốc hội đồng ý cho tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP hiện hành với 2 dự án tại Thái Bình và Lạng Sơn. Thủ tướng Chính phủ được xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án.
Người đứng đầu Chính phủ còn được quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án.
Quốc hội cũng cho phép nhà thầu thi công trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại Nghị quyết. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hạ nhiệt “điểm nóng” mua sắm công, đấu thầu
Vào ngày đầu tiên và giữa năm 2024, nhiều đạo luật có hiệu lực thi hành, lấp dần những “khoảng trống” pháp luật về đầu tư, kinh doanh, như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Viễn thông…
Có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) không chỉ hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu, mà còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực rất nóng này.
Đáng chú ý, trong 10 trường hợp được áp dụng chỉ định thầu có gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn được ban hành, việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế sẽ hiệu quả hơn.
Một luật khác cũng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), có hiệu lực từ giữa năm 2024. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Luật đã bổ sung quy định một trong các tiêu chí để được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước; bổ sung quy định về chính sách nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhằm góp phần phát triển, thúc đẩy và lan tỏa các điển hình kinh tế tập thể.
Điểm mới nữa là Luật quy định hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường; hỗ trợ hình thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương…
Cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, Luật Viễn thông đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Trên cơ sở quan điểm “quản lý nhẹ”, Nhà nước không hạn chế tỷ lệ sở hữu người đầu tư kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới được giảm bớt một số nghĩa vụ so với doanh nghiệp viễn thông truyền thống (không phải đóng quỹ dịch vụ viễn thông công ích, phí quyền hoạt động viễn thông…).
Mọi chính sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tinh thần đó sẽ luôn là điểm tựa cho nền kinh tế vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng trong năm mới 2024.
Lập pháp kiến tạo phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Hệ thống pháp luật giữ vai trò là một trong 3 đột phá chiến lược, thể hiện tinh thần kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Riêng năm 2023, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác, thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Tính hết năm 2023, có 114/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành.
Như vậy là, giữa nhiệm kỳ, Quốc hội đã hoàn thành hơn 83% khối lượng công việc lập pháp của cả nhiệm kỳ theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.