Quyền tài sản, những mắc míu pháp lý cần giải quyết

(ĐTCK) Bộ luật Dân sự 2015 quy định đặc điểm của quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, nhưng không xác định rõ ràng đâu là “quyền tài sản”, từ đó có hiện tượng mọi thứ định giá được bằng tiền để trở thành “quyền tài sản” dùng làm tài sản thế chấp.
Quyền tài sản, những mắc míu pháp lý cần giải quyết

Thế nào là quyền tài sản

Điều 181, Bộ luật Dân sự 2005 quy định, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.

 Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM.

.Tại Điều 322, Bộ luật Dân sự 2005 về quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, thì quyền tài sản bao gồm:

(1) quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, (2) quyền sở hữu công nghiệp, (3) quyền đối với giống cây trồng, (4) quyền đòi nợ, (5) quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, (5) quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp,

(6) quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và (7) các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm, (8) quyền sử dụng đất, (9) quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định.

Đến Bộ Luật dân sự 2015, Điều 115 quy định, “quyền tài sản” là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm: (1) quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, (2) quyền sử dụng đất và (3) các quyền tài sản khác. Tuy nhiên, “quyền tài sản khác” là gì thì Bộ luật Dân sự 2015 không liệt kê.

Ngoài ra, Điều 450 về mua bán quyền tài sản có quy định, trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu (nếu pháp luật có quy định), quyền tài sản là quyền đòi nợ.

Cũng tại Bộ luật Dân sự 2015, Điều 138 quy định về tài sản thế chấp:

(1) Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ, thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

(2) Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ, thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

(3) Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp, thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

(4) Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Những lưu ý về quyền tài sản

Như vậy, có thể thấy, giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Dân sự 2005 đã có nhiều quy định khác nhau về xác định “quyền tài sản”. Bộ luật Dân sự 2015 chỉ đưa ra duy nhất một đặc điểm của “quyền tài sản” là “quyền trị giá được bằng tiền” và một số quy định khác liệt kê quyền tài sản như: “quyền sở hữu trí tuệ”, “quyền sử dụng đất”, “quyền đòi nợ” ngay trong Bộ Luật dân sự 2015.

Điểm mới là Bộ Luật dân sự 2015 chỉ đưa ra một đặc điểm “quyền trị giá được bằng tiền”, Bộ luật Dân sự 2015 bỏ đi đặc điểm của “quyền tài sản” là có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa, mọi quyền mà được “trị giá được bằng tiền” đều là “quyền tài sản”.

Một điểm mới khác là, Bộ luật Dân sự 2015 không còn quy định liệt kê các “quyền tài sản” dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như Điều 322, Bộ luật Dân sự 2005, thay vào đó Bộ luật Dân sự 2015 có quy định chung về tài sản thế chấp (tài sản bao gồm là vật, tiền, giấy tờ có giá và “quyền tài sản”).

Như vậy, so với Bộ Luật dân sự 2005 chỉ còn giữ lại liệt kê về “quyền tài sản” là “quyền đòi nợ”, nhưng đã không còn quy định các dạng “quyền tài sản” được liệt kê như:

(1) quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, (2) quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và (3) các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm, (4) quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định. 

Lo ngại về “quyền tài sản” trong giao dịch thế chấp

Khi đưa một quan hệ giao dịch, “quyền dân sự”, thông tin… được đưa sang nghiệp vụ định giá đều có thể có đặc điểm “quyền trị giá được bằng tiền”.

Theo Luật Giá 2012, thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 (Thông tư 06/2014/TT-BTC), tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.

Tài sản vô hình được quy định trong tiêu chuẩn này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

(1) Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;

(2) Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.); (

3) Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;

(4) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.

Tài sản vô hình bao gồm các loại sau như: (1) Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; (2) Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,...; (

3) Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu...; (4) Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định.

Như vậy, mặc dù Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 đưa ra khái niệm “tài sản vô hình” nhằm mục đích xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản, nhưng Luật Giá 2012 cũng có quy định việc thẩm định giá là việc xác định giá trị bằng tiền của “các loại tài sản” phải theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Từ đó, xảy ra vấn đề, theo thẩm định giá thì “xác định giá trị bằng tiền”, nhưng theo Bộ luật Dân sự thì đây không được quy định cụ thể là “quyền tài sản”.

Câu hỏi đặt ra, “tài sản vô hình” trong Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 không đồng bộ với “quyền tài sản” theo quy định Bộ luật Dân sự, mặc dù được đưa qua thẩm định giá và xác định được trị giá được bằng tiền, nhưng vẫn phải xem xét đây có phải là “quyền tài sản” theo Bộ luật Dân sự hay không.

Cũng chính vì “quyền tài sản” trong Bộ luật Dân sự 2015 không được xác định rõ đâu là “quyền tài sản”, mà chỉ đưa ra một đặc điểm “quyền trị giá được bằng tiền”, nhưng điều đó không đồng nghĩa mọi thứ được “trị giá được bằng tiền” cũng đều là “quyền tài sản”. Sự nhầm lẫn này dẫn đến sự lo ngại đối với hàng loạt các giao dịch thế chấp “quyền tài sản” tại các ngân hàng hiện nay có thể được “trị giá được bằng tiền” nhưng lại không phải là “quyền tài sản”.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục