Quyền lực mềm của một “Việt Nam mới”

Trong cuộc trò chuyện dành riêng cho Báo Đầu tư, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định, sức mạnh mềm của Việt Nam được xây dựng bởi những giá trị xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đó là động lực cho một Việt Nam đang khát vọng vươn lên.
Quyền lực mềm của một “Việt Nam mới”

Quyền lực mềm nằm trong tay dân tộc Việt Nam

Joseph Nye Jr., Giáo sư Đại học Havard được xem là “cha đẻ” của khái niệm “quyền lực mềm”. Ông định nghĩa quyền lực mềm là “một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”.

Xét trên bình diện thế giới hiện đại ngày nay, hai quốc gia được xem là có quyền lực mềm mạnh nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời là những cường quốc hàng đầu về kinh tế, quân sự. Phải chăng, quyền lực mềm luôn đi song hành với quyền lực cứng?

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, một chiến lược gia hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam những năm qua, theo ông, Việt Nam chúng ta có quyền lực mềm hay không?

Nói “hàng đầu” thì tôi không dám nhận, nhưng là một người lăn lộn với ngành ngoại giao gần 40 năm, tôi thấy thế này: sức mạnh mềm là một câu chuyện, nhưng sức mạnh mềm để phân định với sức mạnh cứng, sức mạnh thông minh… lại là câu chuyện khác.

Joseph Nye Jr. có nói đến 3 thành tố của sức mạnh mềm, đó là giá trị dân tộc, giá trị đất nước là câu chuyện về văn hóa, thể chế và các công cụ chính sách đối ngoại. Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm nên hiểu theo nghĩa tích cực, tôi nghĩ đến bản sắc của Việt Nam và “Việt Nam mới” hiện nay trong con mắt bạn bè thế giới.

Có thể khẳng định ngay, chúng ta có sức mạnh mềm, bởi chúng ta có cả chiều dài dân tộc, ngày nay đang phát triển và hội nhập với thế giới, tạo ra một nước Việt Nam đang vươn lên, đóng góp, hội nhập với khu vực và thế giới. Rõ ràng, chúng ta có vị thế, có uy tín.

Bạn bè đến Việt Nam không chỉ có những chính khách. Có lẽ, không nên chỉ nhắc đến những hội nghị lớn như Francophonie 1997, hay Hội nghị Cấp cao ASEAN mà ta làm Chủ tịch năm 2010, APEC 2017, hay câu chuyện Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019…, mà đó là có bao nhiêu lượt khách du lịch đến Việt Nam và có những ấn tượng đẹp thế nào, bao nhiêu nhà đầu tư vào đây và sức hấp dẫn của đất nước này với kinh doanh và đầu tư.

Tôi không có con số chung, nhưng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thì có thể khẳng định, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của người dân, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hằng năm, có hơn nửa triệu người Mỹ đi du lịch đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, có khi để tham quan thắng cảnh, để tìm hiểu một đất nước Việt Nam mà họ đã được nghe, một nơi họ từng tham gia vào cuộc chiến, hay có khi chỉ vì món ăn Việt Nam. Đó là một câu chuyện rất hay.

Vậy những điều gì đã làm nên quyền lực mềm của Việt Nam, thưa Đại sứ?

Thứ nhất, về đất nước, con người và dân tộc, có thể nói rằng, các nước đến Việt Nam họ cảm nhận được sự hấp dẫn, thân thiện và lòng hiếu khách, của con người Việt Nam.

Thứ hai, nhìn theo chiều dài lịch sử Việt Nam, dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất nhưng rất hòa hiếu, muốn chung sống với khu vực, thế giới này. Chúng ta đã biến từ những quan hệ cựu thù thành đối tác, trong đó có cả toàn diện và chiến lược. Thực sự là người ta phải nể trọng mình trong những bước đi hòa hiếu, trong nhiều câu chuyện, mà tiêu biểu là câu chuyện quan hệ Việt - Mỹ. Đó là tính nhân đạo của nền ngoại giao Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta cũng thấy trong sự phát triển, khung pháp luật mới đang được hoàn thiện, mà trong đó người dân ngày càng phát huy được tất cả tiềm năng của mình cả về sức sản xuất lao động, cả về phát triển tinh thần, cả về sự sáng tạo và học tập.

Thứ tư, một “Việt Nam mới” đã vươn lên hội nhập từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, đến lúc chúng ta đột phá giải tỏa được các mối quan hệ lớn và bây giờ chúng ta có mối quan hệ với gần 200 nước trên thế giới, tham gia và tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả, trách nhiệm vào hầu hết các tổ chức toàn cầu và tổ chức khu vực lớn trong đó có Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN, ASEM... Không chỉ từng bước tham gia sâu rộng hơn, định hình xây dựng luật chơi ở các tổ chức quốc tế, mà chúng ta vẫn sẵn sàng vươn lên để hội nhập ở chất lượng cao hơn.

Quay trở lại sức mạnh mềm, tôi không muốn sử dụng khái niệm sức mạnh mềm để phân biệt với sức mạnh cứng, sức mạnh bằng những công cụ quân sự hay kinh tế. Sức mạnh mềm trong đối ngoại Việt Nam đó là phát huy vị thế, uy tín, hình ảnh của một Việt Nam vươn lên trong nội tại, tham gia vào hội nhập và mở rộng quan hệ muốn làm bạn, làm đối tác với các nước cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.

Tóm lại, quyền lực mềm là tổng hòa của nhiều nhân tố, và hình ảnh vị thế và uy tín của đất nước này không chỉ nằm trong tay Chính phủ, mà là cả dân tộc Việt Nam.

Tôi rất chia sẻ với hai cái khái niệm là “nation building” (xây dựng quốc gia - PV) và “nation branding” (thương hiệu quốc gia - PV). Đó là, muốn có sức mạnh mềm trước hết phải xây dựng quốc gia dân tộc này phát triển thịnh vượng, tạo ra hạnh phúc cho người dân, xây dựng quan hệ tốt với mọi nước, với những người xung quanh mình từ khu vực ra tới thế giới và là môi trường đối tác hợp tác tin cậy.

Quan hệ với nước lớn: Không lấy mục tiêu cân bằng

Trong những năm qua, Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trên nhiều mặt như tăng trưởng kinh tế, điểm đến đầu tư, kinh doanh, du lịch, có tiếng nói trong nhiều diễn đàn song phương và đa phương, đặc biệt gần đây tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, tham gia ứng cử Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhất là sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Điều đó đang củng cố và khẳng định quyền lực mềm của một quốc gia mang khát vọng vươn lên vì hòa bình, thịnh vượng.

Là người từng giữ cương vị Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, Đại sứ đánh giá thế nào về việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương và đề cao vai trò tham gia định hình luật chơi quốc tế của Việt Nam?

Năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và nhiều người nghĩ, đây là một công việc luân phiên đơn giản, nhưng đó là lúc ASEAN bước vào thời kỳ mới. Năm 2007 thông qua Hiến chương ASEAN và năm 2008 có hiệu lực, đến năm 2009 toàn bộ các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột bắt đầu được khởi động.

Là một nước đảm nhận Chủ tịch trong suốt 1 năm và trên tất cả các hoạt động chính của ASEAN, đây là công việc quan trọng, buộc chúng ta phải tính ra được là định hướng ưu tiên không chỉ trong nội khối ASEAN, mà trong quan hệ ASEAN với các đối tác rồi định hướng ưu tiên trong xây dựng thể chế mới của ASEAN. Năm đó chúng ta đã làm rất tốt, chúng ta đã đưa ra được chương trình nghị sự hằng năm của ASEAN với lộ trình 2 cuộc họp cấp cao, đưa lộ trình của Hiến chương ASEAN, lộ trình Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống.

Trong những năm qua, chúng ta đã làm rất tốt và ngày càng tốt hơn việc tham gia đóng góp vào một ASEAN ngày càng có vị thế. Chúng ta đóng góp tốt thì uy tín, vị thế của dân tộc được nhân lên rất nhiều.

Việt Nam có thể làm gì để ASEAN trở thành một nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam trong việc cân bằng mối quan hệ giữa ASEAN và hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc?

Xuất phát từ lợi ích Việt Nam, xuất phát từ chủ trương đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ vì hòa bình phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn làm đối tác, làm bạn bè của các nước và đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định của khu vực. Đó chính là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của mình. Điều đó cho thấy rằng, chúng ta rất coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với các nước, nhưng đặc biệt là láng giềng và các nước lớn.

Chúng ta muốn quan hệ của ta với tất cả các nước lớn, với Trung Quốc, với Mỹ đều tốt và khai thác mọi tiềm năng. Đương nhiên, trong quan hệ song phương với các nước lớn cũng còn có những tồn tại và vấn đề, làm sao có kênh đối thoại và giải quyết một cách tin cậy và tôn trọng lợi ích của nhau, đó là cái quan trọng.

Vậy thì, câu chuyện cân bằng các nước lớn, với cá nhân tôi nên đặt lại vấn đề là, chúng ta không lấy mục tiêu cân bằng, mà chính là chúng ta muốn quan hệ tốt với tất cả các nước lớn. Chỉ có trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta không đi với nước này chống nước kia và không để người ta hiểu nước này chống nước kia. Cho nên, không gian để phát triển quan hệ với từng quốc gia hay với mỗi nước lớn sẽ phụ thuộc vào lợi ích song trùng và tiềm năng với mỗi quốc gia, nhưng chủ trương chung của chúng ta là láng giềng và các nước lớn là những ưu tiên trong phát triển quan hệ. Nếu càng mở rộng và làm sâu sắc thêm, có khuôn khổ ổn định lâu dài thì sẽ càng tốt cho an ninh, phát triển của Việt Nam.

Việt Nam muốn làm bạn với tất cả, nhưng chúng ta không đi với nước này chống nước kia. Phải chăng, chúng ta đang xây dựng quyền lực mềm của Việt Nam dựa trên nền tảng một quốc gia trung lập?

Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và kể cả “Việt Nam mới” này, thì tôi không thích từ “trung lập”. Một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với các nước, một nước Việt Nam đổi mới và hội nhập. Chúng ta sẽ không yên lặng khi có những hành động trái với luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ thịnh vượng, ủng hộ hợp tác tin cậy giữa các quốc gia, ủng hộ luật pháp quốc tế...

Tôi cho rằng, phải có tiếng nói như vậy, thì mới là đất nước Việt Nam như chúng ta đã nói ban đầu. Đó là một Việt Nam bất khuất, kiên cường, nhưng rất hòa hiếu, một Việt Nam khát vọng vươn lên vì hòa bình, thịnh vượng.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục