Mức điểm cụ thể và những khuyến nghị chi tiết sẽ được công bố trong tháng 11 tới, nhằm giúp các DN nhận diện ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong vai trò là một DN đại chúng, DN niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Theo chia sẻ của HNX, năm nay, việc chấm điểm dựa theo 102 tiêu chí cụ thể, được xây dựng dựa trên các quy định hiện hành về hoạt động của DN và quản trị công ty (Luật Doanh nghiệp, Thông tư 121/2012/TT-BTC, Thông tư 52/2012/TT-BTC). Bộ tiêu chí đánh giá cả tính tuân thủ, thông lệ, tự nguyện trong công bố thông tin và chiều sâu của thông tin công bố.
Cùng với đó, từ năm 2004, OECD đã đưa ra 5 nguyên tắc cơ bản trong quản trị công ty gồm: Quyền của cổ đông/Đối xử công bằng với cổ đông/Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan/Công bố thông tin và minh bạch/Trách nhiệm của HĐQT và Ban kiểm soát.
Các nguyên tắc này tiếp tục là những chủ điểm chính trong mùa chấm minh bạch của HNX năm nay. Thông tin sơ bộ từ Sở cho biết, điểm chấm năm nay có sự cải thiện so với năm 2015, nhưng phần điểm được thị trường chờ đợi các DN cần cải tiến nhiều nhất là “Quyền cổ đông” lại cho thấy, DN chưa có sự cải thiện đáng kể.
Các câu hỏi HNX đặt ra tập trung tìm hiểu những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền cổ đông như DN có tiến hành biểu quyết từng vấn đề trong chương trình họp Đại hội đồng cổ đông không? DN có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt các giao dịch đối với các bên có liên quan không? DN có cung cấp các thông tin liên quan đến các công ty kiểm toán để cổ đông có thể tìm hiểu về các công ty kiểm toán này trước khi bỏ phiếu không? DN có công bố người liên lạc cho cổ đông/nhà đầu tư không?...
Kết quả đã chỉ ra những khoảng hở không nhỏ của DN trong thực thi quyền cổ đông, đặc biệt có những nội dung đa số DN không thực hiện trách nhiệm với cổ đông của mình.
Tại các thị trường phát triển trên thế giới, cổ đông thường có quyền thông qua các giao dịch lớn và đặc biệt là các giao dịch với các bên liên quan của DN, điều này nhằm hạn chế việc HĐQT hoặc Ban giám đốc lợi dụng các giao dịch lớn để mang lại lợi ích cá nhân và ảnh hưởng lợi ích của cổ đông. Hạn mức được quy định trong Điều lệ mẫu của Thông tư 121 là 20% tổng tài sản của DN.
Đây là một nội dung cơ bản và quan trọng, tuy nhiên, thực tế chỉ có 62% DN niêm yết tại HNX có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt các giao dịch với các bên liên quan. Tỷ lệ này cao hơn kết quả đánh giá năm 2014 (chỉ có 44,3% DN tuân thủ), nhưng vẫn là mức thấp, cho thấy, tại nhiều DN, lãnh đạo đang “quyết tất”, lất lướt quyền được xem xét các giao dịch lớn của cổ đông.
Chỉ riêng chủ điểm “Quyền cổ đông”, việc chấm điểm chi tiết đã và sẽ chỉ ra nhiều điểm DN phải học cách làm tròn trách nhiệm. Kết quả thực tế sẽ công bố vào tháng 11 đáng để các DN soi mình vào đó, nếu thực sự muốn quản trị hiệu quả để vươn lên.